Nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi

Hiện nay, chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng, đây cũng là loại hình kinh tế tạo được nhiều việc làm và góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Nhằm thúc đẩy, đổi mới hoạt động tổ chức sản xuất, cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực chăn nuôi, nước ta đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, tiêu biểu có 9 chính sách cụ thể như sau:

Thứ nhất là chính sách cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 19/NQ-CP từ năm 2014 – 2018, sau đó là Nghị quyết số 02/NQ-CP giai đoạn 2019 – 2021; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về chính sách phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Cùng với đó, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ và đơn giản hóa các điều kiện thành lập doanh nghiệp trong tất cả các ngành nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua Hệ thống một cửa quốc gia. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ hai là các chính sách ưu đãi về đất đai để thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp, trong đó có dự án chăn nuôi đã được ban hành như miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ tập trung đất đai theo Nghị định 57/2018 /NĐ/CP.

chan-nuoi-1668413827.jpg
Có nhiều chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thứ ba là theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường; doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, giao thông, hệ thống điện, nước, nhà xưởng và trang bị các thiết bị cần thiết; mỗi doanh nghiệp đầu tư vào trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt được hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, giao thông, hệ thống điện nước, nhà xưởng và mua các thiết bị cần thiết.

Thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 và Nghị định số 57 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, theo đó, giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như lúa mì từ 3% đến 0% và ngô từ 5% đến 2%. Từ năm 2020: Miễn thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi công nghiệp (hiện nay là 5%); Sản phẩm chăn nuôi chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc mới qua sơ chế thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Luật 106/2026/QH13); Chính sách thuế đã được sửa đổi theo hướng đơn giản và minh bạch; hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính thuế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Các quy định và ưu đãi về thuế được áp dụng thống nhất cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, Doanh nghiệp có dự án sản xuất giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao được hỗ trợ bằng 70% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị, xử lý môi trường và không quá 03 tỷ đồng/dự án (Nghị định số 57/2018); Chương trình phát triển nghiên cứu sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030: ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí giữ đàn giống gốc vật nuôi; chi phí sản xuất giống gốc… (Quyết định số 703/2020/ QĐ-TTg).

Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay đối với khách hàng có dự án đáp ứng tiêu chí chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của các NHTM; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: Doanh nghiệp được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Các công trình xây dựng trên đất như nhà lưới, nhà kính của doanh nghiệp nhận hỗ trợ được coi là tài sản để thế chấp vay vốn.

Thứ bảy, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới bằng 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư và 50 % kinh phí đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư hoặc dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học hoặc mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bằng 80% kinh phí thực hiện nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài (hoặc bản quyền hoặc công nghệ) (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH Luật thuế TNDN).

Thứ tám, theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị được hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm; Doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị được hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, mức hỗ trợ 500.000 đồng/nông dân tham gia liên kết và được tập huấn 03 tháng; Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt và liên kết với hộ chăn nuôi được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/con. Nghị định số 98/2018/ NĐ-CP: ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng)…

Thứ chín, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào cơ sở giết mổ bằng 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hệ thống giao thông, điện nước, nhà xưởng và trang bị các thiết bị cần thiết (Nghị định 57/2018); Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có nội dung ưu tiên phát triển máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2021, cả nước có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên con số hơn 14.400. Cùng với các HTX nông nghiệp kiểu mới đang không ngừng tăng lên, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và dần trở thành động lực quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.

Hoàng Hà (t/h)