Việt Yên - Bắc Giang: Đam mê nông nghiệp sạch – Vợ chồng cô giáo trẻ thu cả trăm triệu đồng mỗi năm

Dọc theo đường quốc lộ 17 từ Thành phố Bắc Giang lên thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên), qua đoạn đường cua gần km8 rẽ trái vào làng Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng ta sẽ có dịp tới thăm mô hình kinh tế nông nghiệp sạch của vợ chồng cô giáo trẻ Đồng Thị Minh Nguyệt và chồng là Thân Văn Khải.

Thuận lợi ngay từ bước đầu thực hiện

Sau nhiều năm bôn ba với đủ các nghề kiếm sống, anh Thân Văn Khải (làng Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) quyết định về quê phát triển kinh tế tại hộ gia đình. Sẵn trong đầu nhiều ý tưởng và dường như có duyên với các loài thực vật, anh mong muốn tìm được mô hình thích hợp để thâm canh.

Là một người gắn bó với ruộng đồng từ bé, vợ chồng anh chị rất thấu hiểu cảnh nông dân “đánh cược” với ông trời. Thời tiết, thiên tai, khí hậu thất thường gây khó khăn cho trồng trọt. Chỉ có cách làm nhà màng mới giảm được sâu bệnh cho cây trồng, tăng năng suất và xoá đi nỗi lo mưa gió bão bùng ảnh hưởng đến "cơm áo gạo tiền" của gia đình một cách tối đa. Anh bàn với vợ và mọi người trong gia đình thuê đất dự án của xã để làm nhà màng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

mo-hinh-1668392651.jpg
Mô hình trồng dưa lê của anh Khải, chị Nguyệt

Được sự hỗ trợ tích cực của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Việt Yên khi đưa cán bộ về thẩm định và giúp đỡ. Chương trình hỗ trợ nông dân làm nhà màng đã đến được với gia đình. Nghiệm thu đủ diện tích và được phê duyệt hỗ trợ, vợ chồng anh chị bắt tay vào làm ngay. Số tiền đầu tư 450-500 triệu đồng ban đầu của gia đình sau đó đã được hỗ trợ 300 triệu. Có thêm động lực để tiếp tục, anh chị chọn loại cây trồng thích hợp và bắt tay ngay vào sản xuất rau xanh. Tính ra đã hơn 3 năm với không biết bao nhiêu lần thu hoạch, anh chị thấy thật nhẹ nhàng vì mọi sản phẩm đầu ra, đầu vào đều được bao tiêu. Từ giống, vốn, đến khoa học kỹ thuật đều được 2 doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ. Hàng năm, trừ hết chi phí mỗi vụ anh chị thu lãi từ 130-150 triệu đồng. Với điều kiện thuận lợi, mỗi năm anh chị có thể thu về 3 vụ, số tiền ước đạt cũng gần nửa tỷ đồng. Cùng với đó, gia đình, họ hàng và người thân và đồng nghiệp cũng có cơ hội được thưởng thức nhiều loại rau quả sạch, độc, lạ tại địa phương.

Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất

Nhìn ruộng dưa Hami, dưa lưới và dưa lê Hàn Quốc từng ngày phát triển, anh chị vẫn không thể ngờ những sản phẩm đó do chính tay mình làm ra. Với hệ thống nước tưới tự động nhỏ giọt cho trồng dưa, tưới trên búp quay như sương mù cho trồng rau và tưới theo hàng rãnh, chủ nhà dường như không phải nặng nhọc gì vì chỉ cần điều khiển là xong.

Dẫn chúng tôi ra khu vực để chiếc téc xanh thể tích 2.000 m³, chị Nguyệt (vợ anh Khải) chia sẻ ngoài những giờ lên lớp, chị lại cùng chồng và bố mẹ bám ruộng bám vườn vì cho dù diện tích rất rộng nhưng có công nghệ hiện đại tiết kiệm sức lao động nên vợ chồng chị không cần thuê thêm người làm.

"Toàn bộ phân bón, thức ăn cho cây đều được hoà tan hết trong này. Chỉ cần tưới là cây sẽ đầy đủ dưỡng chất. Việc cày bừa, làm đất cũng được cơ giới hoá toàn bộ. Do nước và phân bón được tưới nhỏ giọt dưới gốc cây nên cũng hạn chế tối đa việc cỏ mọc. Cách làm này vừa tiết kiệm công sức, vừa hiệu quả mang lại lợi nhuận kinh tế cao." - Chị Nguyệt chia sẻ thêm.

2-1668392809.jpg
Buộc dưa lên giàn không để dưa chạm đất sẽ bị thối

Đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất và người sử dụng

Những ngày mới nhen nhóm ý tưởng về nhà sản xuất nông nghiệp, chị Nguyệt không thôi ám ảnh bới ngày xưa những cánh đồng trồng rau nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật. Những buổi chiều ra đồng làm ruộng, nhìn các bác nông dân đeo bình bơm, xịt là chị choáng váng hết người. Mùi thuốc bay theo chiều gió, đến người đi phun cũng muốn gục ngã luôn. Thêm nữa, nhiều người trồng rau vì lợi ích mà bất chấp sự an toàn của người khác, có khi mới phun chưa đủ ngày cách ly đã đem ra chợ bán. Ám ảnh bởi những suy nghĩ ấy, anh chị không ngờ sản xuất trong nhà màng lại an toàn và hiệu quả như vậy.

3-1668392809.jpg
Cắt tỉa những lá bị nấm, sâu bệnh

"Vất vả nhất là khâu xử lý đất, để cây trồng ít sâu bệnh thì phải xử lý đất rất kỹ, đặc biệt là với diện tích đất trồng dưa. Sau vụ thu hoạch đất rất dễ bị nhiễm khuẩn. Phải cày lên, vãi vôi trộn kèm theo phân bón, hoặc phun bằng dung dịch khử khuẩn nano bạc mua ở bên ngoài. Phân bón cho cây cũng là loại phân chuồng ủ mục, thuốc bảo vệ thực vật nếu có dùng thì sẽ là các dạng thuốc dạng sinh học đem lại hiệu quả cao. Quy trình trồng và chăm sóc tuân thủ ngặt nghèo theo tiêu chuẩn, nếu không đảm bảo an toàn và không đủ tiêu chuẩn sẽ rất khó bán ra thị trường. Vì vậy, với mô hình này, gia đình chúng tôi làm hết sức cẩn thận, đảm bảo hàng đủ biểu loại 1 và được thu mua với giá cao nhất." - Anh Khải thay vợ nói thêm.

1-1668392809.jpg
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc để dưa đúng chuẩn loại 1 từ 400-800g

Nhiều năm trồng dưa lê Hàn Quốc với tính khí như nàng tiểu thư đỏng đảnh dễ dàng bắt đền thời tiết, anh chị càng thấm thía giá trị của nhà màng được sử dụng trong thâm canh. Trồng và chăm sóc cây trồng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà chị đỡ vất vả rất nhiều.

Hướng đi đúng đắn cho việc phát triển nền nông nghiệp bền vững

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng chung của xã hội khi phải đối mặt với các biến đổi phức tạp của thời tiết. Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, hạn chế được việc phá hoại của chúng, dẫn đến việc giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó cây trồng dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn và giá thành hạ, công chăm sóc giảm, mang nhiều lợi ích cho người nông dân. Góp phần cải thiện dân sinh, mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp và là chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai. Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ hiệu quả đó, sau gần ba năm triển khai hệ thống mô hình nhà lưới nhà màng, đến nay gia đình chị nguyệt đã trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng sử dụng các sản phẩm sạch như rau ăn quả (dưa lưới, dưa lê, dưa hấu), các loại rau ăn lá (rau muống, bắp cải).

Cuối buổi chuyện, nhìn vào mô hình kinh tế xanh với biết bao hoa thơm quả ngọt, cộng thêm dãy ao trải dài với hàng nghìn con ba ba và cá bơi lội tung tăng là thành quả chỉ sau vài năm đã đạt được, chị Nguyệt ước mong mô hình sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi để đem lại lợi ích cho bà con.

Hải Vân