Tương Dương (Nghệ An): Nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo nhờ chăn nuôi trâu bò

Tương Dương là huyện miền núi vùng cao, với diện tích đồi núi (chiếm 99,2%) có lợi thế về phát triển chăn nuôi trâu, bò, nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào, khí hậu thích hợp. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.

Thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế

anh-thuong-duong-2-1-1665215892.jpeg
Một gia đình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò phát triển kinh tế ở miền Tây Nghệ An

Trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò chủ yếu được người dân phát triển ở quy mô hộ gia đình, nguồn thức ăn hầu hết vẫn dựa vào nguồn cỏ tự nhiên. Người dân chăn nuôi trâu bò chủ yếu tận dụng sức kéo chứ chưa phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, vì vậy quy mô rất hạn chế.

Trước thực trạng đó, huyện Tương Dương đã có nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ chăn thả tự do sang bán chăn thả hoặc nuôi nhốt, vỗ béo cho phù hợp với điều kiện sản xuất. Nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương mà người dân đã thay đổi phương thức sản xuất. Trâu bò được người dân nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau. Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con.

Tại địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương hiện có khá nhiều người dân nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân. Anh Nguyễn Ngọc ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đang cho đàn bò ăn cỏ cho biết: Mỗi năm gia đình bán 2-3 lứa, mỗi lứa 6-7 con, trâu, bò vỗ béo, thu lãi từ 120-150 triệu đồng/năm.

Nuôi trâu, bò vỗ béo không quá vất vả, tận dụng ven đồi trồng 6 sào cỏ voi, chuối làm thức ăn. Về mùa Đông tích trữ thêm rơm, cỏ, lá ngô và ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò. Chất thải từ chăn nuôi, được tận dụng ủ làm phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng vườn đồi để tăng thêm nguồn thu nhập.

Theo đó, tại bản Bãi Sở hiện có trên 70 hộ nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo, hộ ít nuôi 2-3 con, nhiều thì 8-10 con. Mô hình này đã giúp bà con có thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Như hộ ông Nguyễn Ngọc chăn nuôi 10 con trâu, bò, ông Trần Văn Đô nuôi 8 con trâu, bò …

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: "Hiện nay toàn xã Tam Quang có 4.500 con trâu, bò, trong đó có khoảng trên 120 hộ dân nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò xã đã quy hoạch trồng được trên 49 ha cỏ voi ở các bãi đất và ven khe, suối. Thực tế cho thấy, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở Tam Quang đem lại hiệu quả kinh tế và trở thành một nghề của người dân nơi đây".

Phong trào nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo ở xã Tam Thái cũng mang lại hiệu quả cao. Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được phát triển 5 năm trở lại nay, ban đầu chỉ có 2-3 hộ nuôi vỗ béo. Sau khi thấy được hiệu quả mang lại, có nhiều bà con đã học theo, nhân rộng mô hình, đến nay toàn xã đã có trên 50 mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, quy mô lớn từ 10-15 con, quy mô nhỏ 3-5 con.

Điển hình như hộ gia đình anh Vang Văn Mươn ở bản Can, xã Tam Thái. Từ năm 2020 đến nay, gia đình anh Mươn đã đầu tư trên 100 triệu đồng làm chuồng trại nuôi bò nhốt quy mô 15 con, mỗi năm lãi trên 150 triệu đồng. Anh Mươn chia sẻ: "Trước đây gia đình chỉ nuôi bò truyền thống theo kiểu thả rông, nên hay bị bệnh dịch, nay nuôi bò nhốt mang lại lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn cho trâu, bò rất thuận tiện, chủ yếu tận dụng trồng cỏ, chuối quanh khe, suối, đồi núi".

Chăn nuôi gia súc - hướng đi chiến lược

anh-tuong-duong-2-1665215892.jpeg
Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho thu lãi 150 triệu đồng/năm

Đề án phát triển cây và con miền Tây Nghệ An là hướng đi đúng đắn, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần giải quyết nhu cầu nguồn thực phẩm cho xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo thống kê ngành Nông nghiệp, liên tiếp trong nhiều năm, đàn trâu bò của huyện Tương Dương đều có sự gia tăng về số lượng. Tính đến thời điểm này toàn huyện có trên 55.000 con trâu, bò, trong đó trên 400 hộ dân chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả như xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Yên Thắng, Nga My… Chưa kể là có hàng chục hộ người Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền và bản Huồi Cọ, Huồi Măn, xã Nhôn Mai cũng đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo, bước đầu cho hiệu quả tốt.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết: "Xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi đúng đắn, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, những năm qua, huyện Tương Dương đã thực hiện các giải pháp như: Chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hiệu quả thấp, đất cao cưỡng, bạc màu. Khai hoang, cải tạo đất ven sông, ven suối sang trồng cỏ voi thâm canh phục vụ chăn nuôi, hiện toàn huyện có khoảng trên 200 ha cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Xây dựng chuồng trại phù hợp với phương thức chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm".

UBND huyện Tương Dương cũng xác định chăn nuôi đại gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Vì vậy, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng thêm số lượng đàn vật nuôi và nhân rộng mô nuôi bò vỗ béo trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương. Chú trọng áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, giúp người dân vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò ở các huyện miền núi là một chủ trương của tỉnh Nghệ An và tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ về con giống, vốn, thú y; trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Phấn đấu đến hết năm nay tổng đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh đạt đạt 780.000 con, đưa tỉ trọng chăn nuôi trâu bò trong ngành chăn nuôi chiếm từ 22 - 25%.

Mặc dù, đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng hiện nay việc tiêu thụ trâu bò vẫn phụ thuộc vào tư thương mà chưa có liên kết với các cơ sở chế biến. Bên cạnh đó, người dân vẫn nuôi theo kiểu tự phát chứ chưa có quy hoạch bài bản.

Để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân địa phương phát triển đàn gia súc cũng như tìm đầu ra. Thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra. Mặt khác, để nâng cao giá trị sản phẩm, các địa phương cần xúc tiến làm các sản phẩm OCOP từ thịt trâu, bò như: thịt trâu khô, bò giàng… qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Lê Thìn