Đến nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 5.015 tỷ USD (năm 2020), xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 40 tỷ USD/ năm, chiếm thị phần rất khiêm tốn so với tiềm năng nhập khẩu EU.
Tháng 8/2022 vừa qua cũng đánh dấu cột mốc quan trọng tròn 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14% hàng năm.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Vì vậy, để đẩy nhanh thực thi EVFTA hiệu quả, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vào thị trường EU với điều kiện hàng hóa xuất khẩu phải vượt được các rào cản phi thuế quan. Đây vốn là thách thức quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các nước đang phát triển nói riêng.
Để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU hưởng được lợi thế ưu đãi thuế quan này, ông Jean Jacques Bouflet lưu ý: Cơ bản cần 2 điều kiện, thứ nhất hàng hóa phải đáp ứng ứng tiêu chuẩn thị trường yêu cầu mà cụ thể là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm, thứ hai sản phẩm phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Các nhóm hàng hóa có tần suất áp dụng SPS và TBT nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa… và đây cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Vì vậy, việc nghiên cứu và nắm bắt bản chất của các rào cản phi thuế quan này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết Hiệp định EVFTA và các doanh nghiệp cần đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn đáp ứng tốt các biện pháp SPS và TBT mới có thể khai thác lợi thế cắt giảm thuế quan từ Hiệp định để gia tăng xuất khẩu vào EU.
Thứ nhất, tăng cường nhận biết các thay đổi quy định của EU: Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU. Đối với các sản phẩm thủy sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến. Đối với các sản phẩm trái cây, thực phẩm chế biến cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật (MLR), kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói…
Thứ hai, các khuyến nghị liên quan quá trình sản xuất: Điều kiện cần để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU là phải đáp ứng các yêu cầu của TBT và SPS. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cả về chiều sâu và chiều rộng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và toàn bộ quy trình sản xuất, chứ không chỉ ở chặng cuối mới có thể vượt qua thách thức về các biện pháp SPS, TBT.
Thứ ba, các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa: EVFTA mở ra triển vọng xuất khẩu hấp dẫn, mặt tích cực sẽ thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là từ những quốc gia sản xuất chưa có các thỏa thuận thương mại thuận lợi với EU như Việt Nam. Việc giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu sẽ tăng nguy cơ EU áp dụng các hàng rào thuế quan TBT và SPS khẩn cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia, chung tay của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống gian lận xuất xứ, không tiếp tay cho những hành vi gian lận và cần có sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan liên quan và vai trò cung cấp thông tin kịp thời theo thời gian thực của Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, EU thực hiện một bộ chính sách và hành động gọi là Thỏa thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa cacbon. Kế hoạch hành động cũng đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và tăng tỷ lệ đất nông nghiệp dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị cấm tại EU, và mức dư lượng sẽ giảm dần trong những năm tới. Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý xu hướng tiêu dùng hữu cơ này trong chiến lược phát triển dài hạn, ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh.