Doanh nghiệp cần lưu ý thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA

Châu Âu (EU) là khu vực xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới. Do đó, muốn gia nhập vào khu vực này, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của thị trường mà mình đang dự định tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dự định xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
so-huu-tri-tue-1727169897.jpg
Tham gia EVFTA  nếu không nhận thức rõ về quy định sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ phải đối mắt với các thủ tục kiểm soát hoặc bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. (Ảnh minh họa)

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%. Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng 45,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5 %, còn nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,4 %.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…

Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa công bố cũng nhấn mạnh, sau 4 năm thực thi, EVFTA tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời mở cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam.

Cho đến nay EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ euro với 2.450 dự án và đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư. Phần lớn các thành viên EuroCham và doanh nghiệp Việt Nam xuất, nhập khẩu sang EU cho rằng, việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính từ EVFTA. Còn theo các chuyên gia, với 4 năm có hiệu lực, EVFTA tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, trở thành động lực gia tăng xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU.

Từ những kết quả trên cho thấy, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất toàn diện, rất nhiều lĩnh vực phi truyền thống đã được đề cập, đàm phán, ký kết ở mức độ rất cao. Đáng lưu ý, EVFTA cũng có những những quy định mới, rất khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu.

9-fe8c1-1727169897.jpg
Bà Đỗ Thị Hạnh - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách. Ảnh Moit

Chia sẻ về vấn đề này trong Chương trình đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Hạnh - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Chế định về sở hữu trí tuệ là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ có tác động lớn và trực tiếp tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Là một nước đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm sở hữu trí tuệ so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Đối với doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Hạnh cho rằng, về cơ bản, việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng đã đáp ứng việc tuân thủ cam kết sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu nội dung của các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam tham gia nhằm đảm bảo không gặp phải những trở ngại trong hoạt động kinh doanh, nhất là khi có liên quan đến các thị trường này. Đồng thời, nắm bắt được xu thế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra trên thế giới, từ đó dự đoán được những thay đổi về chính sách có thể tác động đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và hoạt động kinh doanh của mình nói riêng.

Theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch. Vì vậy, các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ … phải được công bố trên Internet. Do đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của thị trường mà mình đang dự định tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dự định xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ./.

Hương Lan