Tận dụng lợi thế của EVFTA, doanh nghiệp Ba Lan đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đến nay, sau hơn 4 năm EVFTA tiếp tục duy trì đà xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong Asean. Trong đó, Việt Nam và Ba Lan là những quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Dư địa hợp tác kinh tế và thương mại giữa 2 bên trong thời gian tới còn rất lớn, nhờ lợi thế bổ sung cho nhau.
1-1723216050.jpg
Doanh nghiệp Ba Lan mong muốn đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Việt Nam trong thời gian tới, nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhân dịp Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 - Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2024 diễn ra, phái đoàn doanh nghiệp Ba Lan trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến TP. Hồ Chí Minh trong chuyến xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam từ ngày 7 - 11/8/2024. Trong đó, ngày 8/8/2024, với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, Văn phòng đại diện Cơ quan đầu tư và thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị truyền thống và chất lượng”. 

Bà Bozena Wroblewska - Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan cho biết: “Với hơn 38 triệu dân, Ba Lan là thị trường lớn nhất trong số các quốc gia thành viên mới của Liên minh Châu Âu (EU) và lớn thứ 6 trong EU. Ra nhập EU vào năm 2004 đã dẫn đến những cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Ba Lan. Thông qua cửa ngõ thị trường Ba Lan, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng có thêm cơ hội xuất khẩu vào EU, khai thác các lợi thế từ EVFTA”.

“Doanh nghiệp Ba Lan đánh giá trong khu vực Châu Á, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thực phẩm và nông sản của Ba Lan bên cạnh Trung Quốc, Phillippines. Sau thành công với các mặt hàng thịt gà, thịt heo, táo, đồ uống, các doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm đối tác để phân phối thêm thịt bò vào thị trường Việt Nam”, bà Bozena Wroblewska cho biết thêm.

2-1723216100.jpg
3-1723216115.jpg
Tại triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 - Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, nổi bật trong đó là khu gian hàng của các doanh nghiệp Ba Lan với 8 kỳ tham gia triển lãm liên tục, đã mang đến trải nghiệm Châu Âu đầy ắp hương vị đối với đối tác, khách tham quan.

Trong những năm qua, quan hệ song phương Việt Nam - Ba Lan không ngừng được củng cố trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc biệt, hai nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan (1950 - 2025).

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan năm 2023 đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 7% so với năm 2022). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương gữa hai nước đạt trên 793 triệu USD (bao gồm trên 695 triệu USD xuất khẩu từ Việt Nam và 98 triệu USD xuất khầu từ Ba Lan). 

Về quan hệ đầu tư, Ba Lan xếp thứ 35 trên 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 31 dự án, tổng vốn đăng ký trên 465 triệu USD. Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam và Ba Lan vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng quan hệ hai bên. Do vậy, hai nước đã nhất trí sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Ông Piotr Kondraciuk - Giám đốc Phòng hỗ trợ xuất khẩu Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp Ban Lan chia sẻ: “Sau 7 năm khai phá thị trường Việt Nam, tăng trưởng của các sản phẩm thực phẩm và nông sản của Ba Lan sang Việt Nam khá đều đặn, đặc biệt là thịt heo, gia cầm và rau củ quả. Các kết quả đã đạt được có sự hỗ trợ rất lớn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mà hai bên đã ký kết và Ba Lan là một trong những quốc gia thành viên. Sau 4 năm chính thức có hiệu lực, hiệp định đã mở cửa và giúp cho việc tiếp cận thị trường các sản phẩm nông sản của Ba Lan vào Việt Nam dễ dàng, thuận lợi hơn”.

Chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị truyền thống và chất lượng” là chương trình thường niên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, F&B tìm kiếm đối tác mới, phát triển thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình này, thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, các doanh nghiệp đã sang khảo sát thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ba Lan cập nhật thông tin thị trường và tìm kiếm đối tác mới tại Việt Nam.

Ông Andrzej Arendarski - Chủ tịch Phòng Thương mại Ba Lan chia sẻ: “Là một quốc gia có diện tích lớn, nông nghiệp phát triển, Ba Lan là nhà xuất khẩu hàng đầu: táo, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các loại thực phẩm chế biết với thị trường chính là EU. Hiện nay, các nhà sản xuất Ba Lan đang ngày càng quan tâm quảng bá sản phẩm tới các thị trường mới ở Châu Á, trong đó có Việt Nam thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Việt Nam đang nổi lên là thị trường nhập khẩu tiềm năng cho các loại hoa quả ôn đới, thịt bò”.

“EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi đã tạo lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản của Ba Lan tiếp cận thị trường Việt Nam. Nhưng hiện nay, không ít sản phẩm của Ba Lan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải qua các kênh trung gian, nên Ba Lan mong muốn thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa hai nước để khơi thông kênh nhập khẩu trực tiếp tại Việt Nam”, ông Andrzej Arendarski chia sẻ thêm.

Ông Tomasz Parzybut - Giám đốc điều hành Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan, cho biết: “Cùng với Liên minh quốc gia nhóm những nhà sản xuất rau và quả, Hiệp hội đã đồng tổ chức chương trình quảng bá Châu Âu đầy hương vị truyền thống và chất lượng” kéo dài qua các năm. Tính đến nay, Hiệp hội có hơn 130 nhà sản xuất và chế biến thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm hoạt động ở Ba Lan và luôn tham gia tích cực những hoạt động tiếp thị sản phẩm ra thị trường nước ngoài tiềm năng”.

“Người dân Việt Nam ngày càng có thu nhập tăng cao và quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nên ưu tiên mua sắm, tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, cũng như hàng ngoại nhập. Đây là cơ hội cho sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam; trong đó doanh nghiệp Ba Lan kỳ vọng nắm bắt được cơ hội này và khai thác những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào Việt Nam”, ông Tomasz Parzybut chia sẻ thêm.

EVFTA là một hiệp định mang tính bước ngoặt đã có hiệu lực hơn 4 năm, đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam nói chung, Việt Nam và Ba Lan nói riêng. Là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có thỏa thuận toàn diện như vậy với EU, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước láng giềng vẫn đang trong giai đoạn đàm phán./.

Đạm Quang Lê