Ngoại giao kinh tế tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam thích ứng xu thế phát triển xanh và bền vững

Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam là cầu nối tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua trên trường quốc tế. Đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các Hiệp hội và doanh nghiệp vào chiều 12/11.

ngoai-giao-kinh-te-2-1731468294.jpg
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các Hiệp hội và doanh nghiệp vào chiều 12/11.

Tọa đàm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức, đã khẳng định vai trò quan trọng của các Cơ quan đại diện như cầu nối vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ngoại giao kinh tế tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế

Tại đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông khẳng định Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học-công nghệ giữa doanh nghiệp nội địa với đối tác nước ngoài.

Theo ông Phòng, trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới trong đầu tư và chuyển giao công nghệ. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các Cơ quan đại diện Việt Nam sẽ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ để có thể vững bước ra thị trường toàn cầu.

"Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam là cầu nối tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua trên trường quốc tế. Mỗi Đại sứ, Tổng Lãnh sự với những nghiên cứu sâu sắc về chính sách kinh tế của nước sở tại, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, dự báo xu hướng kinh doanh và xác định thị trường", ông Phòng nói.

ngoai-giao-kinh-te-5-1731468366.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Toạ đàm.

Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh với phương châm ngoại giao kinh tế, bên cạnh sứ mệnh chính trị, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự có vị trí vô cùng quan trọng trong công tác quảng bá về môi trường kinh doanh, tiềm năng và các sản phẩm dịch vụ thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là kênh cung cấp thông tin với độ tin cậy cao về thị trường, cũng như văn hóa, tập quán kinh doanh của các nước sở tại. Theo đó, Cơ quan đại diện Việt Nam cần thúc đẩy kết nối, giới thiệu các đối tác tiềm năng và uy tín của các nước để giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thu hút đầu tư.

Đặc biệt, ông Phòng đề cập đến hoạt động hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.

“Có thể nói, sự hội nhập phát triển kinh tế, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể có được kết quả như ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ và mở đường của Bộ Ngoại giao cùng các Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng các Cơ quan đại điện,” ông Phòng nói.

Đáp lại những mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định các Cơ quan Ngoại giao sẵn sàng tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc kết nối, cung cấp các thông tin thị trường.

ngoai-giao-kinh-te-1-1731468408.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua và đánh giá cao những nỗ lực, khả năng thích ứng linh hoạt, sáng tạo của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 3 quý đầu năm 2024.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt rõ, tình hình thế giới và khu vực trong năm 2025 được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường nhưng vẫn mang đến những cơ hội mới, trong đó có sự xuất hiện của các xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới, gắn với phát triển xanh, phát triển số, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó là sự hứng khởi, quan tâm và đánh giá cao của các đối tác, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài về điều hành vĩ mô của Chính phủ, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo; đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong các xu hướng mới.

Tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt trong tạo dựng môi trường ổn định và thuận lợi; huy động mọi nguồn lực phục vụ thương mại, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Xuyên suốt sẽ là sự song hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý về những biến động địa chính trị, kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại đặt ra những yêu cầu cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, linh hoạt thích ứng.

Trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao nỗ lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và cam kết Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

ngoai-giao-kinh-te-4-1731468461.jpg
Buổi Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã có những đề xuất cụ thể đối với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong quá trình thâm nhập địa bàn, tạo điều kiện để hàng Việt xuất hiện nhiều hơn tại nhiều thị trường trên thế giới.

Chia sẻ về những thành tựu xuất khẩu và chiến lược phát triển, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết đang có khoảng 3 triệu lao động với kim ngạch xuất khẩu dự kiến riêng năm 2024 sẽ đạt khoảng 44 tỷ USD. Với Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam, toàn ngành đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 68-70 tỷ USD.

Tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đề nghị: "Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối, giúp ngành dệt may mở rộng thị trường, cung cấp thêm thông tin thị trường, quy định mới từ các nước sở tại để chủ động chuẩn bị và thích ứng".

Bởi, điều kiện kinh doanh hiện tại có nhiều biến động (chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai...), rồi các thị trường lớn như Mỹ, EU đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới, như chiến lược phát triển bền vững thay cho thời trang nhanh, nhãn sinh thái... Những vấn đề này doanh nghiệp dệt may chưa nắm kỹ, rất cần được thông tin thêm.

"Gần đây, có những nhà bán lẻ đã có cả trăm năm hoạt động phá sản, nhưng doanh nghiệp không biết thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ, khi đổ vỡ cũng là vấn đề lớn, ngành dệt may mong được Cơ quan ngoại giao cung cấp thông tin kịp và hỗ trợ tìm kiếm luật sư uy tín để doanh nghiệp giải quyết tranh chấp trong vụ việc cụ thể", Phó chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm nhận định.

ngoai-giao-kinh-te-6-1731468268.jpg
Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. (Ảnh minh họa)

Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, song các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã đưa ra nhiều lưu ý cho các doanh nghiệp khi thị trường quốc tế đang có nhiều thay đổi.

Theo bà Nguyễn Lê Thanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đan Mạch kiêm nhiệm Ireland, Đan Mạch là quốc gia có khí hậu ôn đới, nên người dân có nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới, mà đây lại là thế mạnh của Việt Nam.

Thống kê từ cơ quan Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2024, Việt Nam suất siêu sang Đan Mạch những mặt hàng liên quan đến dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ…

Nhưng để tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Đan Mạch, bà Thanh đề nghị các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và suất khẩu những sản phẩm liên quan đến phát triển bền vững.

Bởi người dân Đan Mạch đang có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm đảm bảo bảo vệ môi trường và sức khỏe, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Còn theo bà Trần Thị Thu Thìn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar, Seychelles, Mauritius và Comoros, thị trường châu Phi nói chung và thị trường Hồi giáo (Halal) nói riêng đang có nhiều tiềm năng phát triển.

Nhưng thị trường Halal có rất nhiều tiêu chí và tiêu chuẩn riêng và khắt khe, không chỉ là những sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn mà còn nhấn mạnh đến giá trị đạo đức, việc tuân thủ các quy trình về phát triển bền vững trong sản xuất.

Do đó, bà Trần Thị Thu Thìn đề nghị các doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin và các quy định liên quan đến chứng chỉ Halal, xây dựng quy trình đáp ứng cũng như liên hệ các trung tâm chứng nhận uy tín, để qua đó có thể thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu./.

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), 9 tháng năm 2024, có gần 50 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo đất nước với các nước trên thế giới, trong các hoạt động này, nội dung về kinh tế luôn là trọng tâm. Mới nhất là chuyến thăm 3 nước UAE, Qatar, Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trong tiến sâu sang các thị trường Trung Đông, châu Phi thời gian tới đã được nhìn thấy rõ ràng hơn từ các hoạt động ngoại giao cấp cao và ký kết FTA với UAE.

Trọng Bình