Ngân hàng phát hành ESOP: Ai lợi, ai thiệt?

Tác dụng từ những chương trình ESOP là không thể phủ nhận trong việc giữ chân người lao động, tuy nhiên hoạt động này cũng có thể tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa ban lãnh đạo công ty và các cổ đông.
esop-1696849685.jpeg
Nhiều ngân hàng công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động.

Ngân hàng đồng loạt phát hành ESOP

Ngân hàng SHB mới đây cho biết, sẽ phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP), với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 18 tháng.

Để được quyền mua ESOP, chuyên gia và các chức danh tương đương cần ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên, còn cán bộ nhân viên cần ký hợp đồng từ 24 tháng trở lên. Cơ sở phân phối cổ phiếu là hiệu quả làm việc và thâm niên.

Một ngân hàng khác là HDBank mới đây cũng đã thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Quyền mua cổ phiếu không được chuyển nhượng và cổ phiếu phát hành thêm sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Tương tự, Techcombank cũng vừa công bố thông tin về việc chuẩn bị phát hành cổ phần theo chương trình ESOP năm 2023 để tăng vốn điều lệ lên thêm 52,7 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, trong đó, hơn 2,1 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động nước ngoài và 3,1 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động Việt Nam.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Trước đó, trong năm 2022, Techombank cũng đã phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Năm 2021, 2020, 2019 và 2018, ngân hàng cũng chào bán lần lượt 6 triệu cổ phiếu; 4,76 triệu cổ phiếu; 3,5 triệu cổ phiếu và 17 triệu cổ phiếu cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Ngân hàng VPBank mới đây cũng cho biết, đã phát hành xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho 493 cán bộ công nhân viên. Với giá bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, ước tính VPBank đã thu về hơn 300 tỷ đồng từ hoạt động chào bán cổ phiếu ESOP.

Cổ phiếu được chào bán cho cán bộ nhân viên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Người lợi, kẻ thiệt?

Với mức giá thông thường khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu phát hành theo hình thức ESOP thường thấp hơn đáng kể so với thị giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Như cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank chẳng hạn. Hiện, cổ phiếu này đang được giao dịch quanh ngưỡng 32.000 đồng/cổ phiếu trên sàn, tính ra, người lao động ngân hàng được mua cổ phiếu với giá ưu đãi thấp hơn tới 69% so với các cổ đông khác.

Tương tự, giá phát hành cổ phiếu ESOP của VPBank cũng là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương 1/2 thị giá cổ phiếu VPB hiện nay trên thị trường. Cổ phiếu HDB đang có giá là 17.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá phát hành ESOP là 10.000 đồng/cổ phiếu,…

Về phía các nhà băng, việc phát hành lượng lớn cổ phiếu ESOP được giải thích là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên, gắn liền lợi ích của cán bộ nhân viên với lợi ích ngân hàng.

Đồng thời, tạo động lực cho người lao động, thu hút, khuyến khích và giữ cán bộ nhân viên giỏi, có năng lực, tiếp tục làm việc, cống hiến lâu dài cho ngân hàng.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, giới phân tích cho rằng, việc phát hành cổ phiếu ESOP có thể khiến cổ phiếu trên thị trường bị pha loãng, kéo giá cổ phiếu đi xuống, từ đó gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều cổ đông cũng e ngại tiền của ngân hàng đang “chảy” vào túi lãnh đạo chứ không phải nhân viên, thông qua con đường ESOP.

Bởi, thực tế cho thấy, các chương trình ESOP của một số ngân hàng thường tập trung vào nhóm cán bộ cấp cao.

Như tại VIB, trong đợt phát hành ESOP tháng 6 vừa qua, riêng 5 lãnh đạo cấp cao của ngân hàng bao gồm Tổng giám đốc, 3 Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng đã nhận tổng cộng hơn 400 nghìn cổ phiếu trong tổng số 7,6 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình ESOP, tương đương 5,4% lượng chào bán.

Trước đó, trong đợt phát hành ESOP năm 2022 của VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đã mua vào 1 triệu cổ phiếu trong tổng số 30 triệu cổ phiếu phát hành. Ngoài ra, một số nhân sự cấp cao khác như phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính, thành viên ban kiểm soát… cũng tham gia đợt phát hành này.

Có thể thấy, tác dụng từ những chương trình ESOP là không thể phủ nhận trong việc giữ chân người lao động, tuy nhiên hoạt động này cũng có thể tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa ban lãnh đạo công ty và các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.

Trần Thúy