Hoạt động này nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong trường hợp thiên tai, bão lụt xảy ra hoặc khi xảy ra biến động bất thường làm nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa phương tăng cao.
Chủ động cung ứng hàng hóa phòng chống thiên tai
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, kế hoạch yêu cầu thực hiện theo phương châm 5 tại chỗ gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ; vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Các sở, ngành, các cơ quan liên quan cần phối hợp đồng bộ, kịp thời trong công tác dự trữ, điều tiết và cung ứng hàng hóa phòng chống thiên tai.
Sở Công thương cũng đặc biệt đề cao vai trò chủ động phối hợp, xây dựng phương án, kế hoạch, điều tiết hàng hóa của UBND tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ khi xảy ra thiên tai, bão lụt hoặc thị trường có biến động.
Các loại hàng hóa và khối lượng dự trữ theo kế hoạch của Sở Công Thương gồm: 118.641 thùng Mì ăn liền, 10.160 thùng lương khô, 477,8 tấn gạo, 30.650 thùng nước uống đóng chai và 539 tấn các mặt hàng thiết yếu khác. Về nhiên liệu có: 1.880.000 lít xăng và 2.190.000 lít dầu diezen.
Các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa được công bố trong kế hoạch là hệ thống các siêu thị Co.op Mart, siêu thị Go; MM Mega Market; Siêu thị VinMart; hệ thống Bách Hóa Xanh, một số cơ sở sản xuất nước đóng chai khác trên địa bàn và Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên.
Đồng bộ phương án dự trữ hàng hoá thiết yếu
Phương án dự trữ hàng hoá thiết yếu theo Sở Công Thương là nằm tại các cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất và kho hàng của các doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tính toán lượng hàng hoá thiết yếu nhất định để chuẩn bị dự trữ. Đồng thời, xây dựng phương án bảo quản hàng hóa tại kho của mình và cung ứng khi có sự cố thiên tai bão lụt xảy ra.
Đặc biệt, Sở Công thương còn lưu ý các UBND huyện, thị xã, thành phố cần chủ động và liên tục bám sát tình hình dự trữ hàng hoá thiết yếu của các nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn để kịp thời điều phối cung cầu hàng hoá tại chỗ trong mùa mưa bão. Đồng thời, UBND còn có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý các chợ và các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm có liên quan.
Trong kế hoạch, Sở Công Thương còn cho biết trong mùa mưa bão sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra - kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình bất lợi để tăng giá thu lợi bất chính hoặc các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 149 chợ; 04 trung tâm thương mại; 08 siêu thị; 01 doanh nghiệp sản xuất gạo và khoảng 475 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hệ thống này đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian qua tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến./.