Đơn cử như xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi những khu vực cấy lúa kém hiệu qủa sang thâm canh rau, củ, quả tập trung với tổng diện tích hơn 200 ha. Trong đó, có 115 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hơn 5ha trồng rau theo hướng hữu cơ và 10ha đạt tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra một diện mạo mới của vùng nông thôn ngoại thành Thủ đô.
Hiện nay, ở Đặng Xá, huyện Gia Lâm, hầu hết các loại rau mẫn cảm cao với sâu bệnh, rau trồng trái vụ và rau có sâu hại dễ kháng thuốc bảo vệ thực vật như cải canh, cải ngọt, đậu đũa, rau ngót... đều được trồng trong nhà màng, nhà lưới. Còn các loại rau ít mẫn cảm với sâu bệnh hại, rau có khả năng bóc, gọt, lột bỏ vỏ như rau bí, cải bắp, rau dền, rau đay, mồng tơi, bí xanh, bầu, mướp, cà pháo, cà bát, cà tím... chủ yếu trồng ở ngoài tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Xá cho biết: “Để thúc đẩy mở rộng sản xuất công nghệ cao, phát triển thương hiệu rau hữu cơ Đặng Xá, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời hỗ trợ hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất rau, mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ trong toàn xã và tăng độ phủ hoạt động sản xuất rau hữu cơ cho huyện Gia Lâm”.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, T.P Hà Nội được thành lập tại vùng chuyên canh rau thuộc dự án rau an toàn thị trấn Chúc Sơn với diện tích quy hoạch là 60ha và vùng hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư tương đối đồng bộ gồm: đường giao thông, hệ thống điện, nhà sơ chế rau.
Điểm nhấn của HTX là áp dụng phương pháp trồng rau theo công nghệ Nhật Bản. Chỉ sau hai năm tham gia và được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật, vụ đông năm 2017, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai trồng hàng chục loại rau như cải bắp, cải bó xôi, cải chíp, cải canh...
Quá trình trồng rau được áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất của Nhật Bản. Phân bón được sử dụng trong sản xuất rau chủ yếu là phân chuồng đã trải qua quá trình ủ, đảm bảo hoại mục hoàn toàn và một số loại phân bón vô cơ có nguồn gốc rõ ràng. Mô hình áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh.
Đặc biệt, HTX cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn do Viện Phát triển công nghệ và giáo dục phối hợp Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn TP. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản lần lượt chiếm: 45%, 80% và 60% về tỷ lệ. Ngoài ra, 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo…
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ, như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến,…
Thông qua đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này cũng giúp giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như: thời tiết, khí hậu…
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở đang trình UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
“Chương trình khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại…” - ông Tạ Văn Tường chia sẻ thêm.