Sản xuất tập trung gắn với nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái

Để mở rộng và phát huy hiệu quả vùng nông sản an toàn, các ngành chức năng, địa phương của Thủ đô Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
san-xuat-nong-nghiep-1651380565.jpg

Chăm sóc chè tại vùng sản xuất chè an toàn, xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội đang duy trì vùng sản xuất chè an toàn, diện tích 1.550ha, năng suất đạt 10,5 tấn/ha/năm, sản lượng cả năm đạt 16.275 tấn búp tươi, giá trị đạt 350 triệu đồng/ha/năm.

Để giúp nông dân duy trì và mở rộng vùng sản xuất an toàn, huyện đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP tại các địa phương có thổ nhưỡng thích hợp. Nhờ đó, huyện Ba Vì đã xây dựng thành công thương hiệu chè Ba Vì.

Tại huyện Đông Anh cũng đang quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so với các năm trước, nông dân đã biết sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến nay, toàn thành phố Hà Nội hiện duy trì vùng sản xuất rau an toàn hơn 5.000ha, trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn (141 chuỗi). Nhìn chung, việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người dân bán được giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng thuận lợi trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường...

Hiệu quả của việc quy hoạch vùng sản xuất nông sản tập trung đã rõ nét nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ... Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất an toàn đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp...

Đối với huyện Ứng Hòa, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng lúa chất lượng cao.

Đồng thời, huyện Ứng Hòa sẽ mở rộng vùng sản xuất rau an toàn công nghệ cao (170ha), cây ăn quả đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường (600ha); mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với các hoạt động dịch vụ, du lịch và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Hòa Lâm, Trầm Lộng, Trung Tú...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cùng chính quyền địa phương mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Ngoài ra, Sở tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức liên kết, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn; đồng thời, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Khuyến nông của thành phố để nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cung cấp cho người tiêu dùng”.