Huyện Thanh Oai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đáp ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua huyện Thanh Oai đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Theo đó, huyện Thanh Oai tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, với tổng diện tích đất nông nghiệp là trên 8.356 ha, trong đó, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 934 tỷ đồng, đạt 50,1 % kế hoạch (tăng 1,1% so với năm 2021). Ngoài ra, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt ước đạt 386,7 tỷ đồng; Giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản ước đạt 498 tỷ đồng.

Cạnh đó, Thanh Oai cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm vùng sản xuất lúa diện tích hơn 6.453 ha; Vùng trồng cây ăn quả 300 ha; Vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha; Vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ.

1324-20210213-111238-1662463385.jpg
Đóng gói thịt lợn chế biến tại Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai). Ảnh: Đỗ Quân

Đồng thời, huyện Thanh Oai cũng triển khai có hiệu quả một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Trồng rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao hơn 11,7ha; Trồng hoa Lan nhân cấy mô 4.500 m2; mô hình dưa lưới và táo VietGAP 5.300m2.

HTX xã Tam Hưng đã hình thành vùng sản xuất 2 vụ/năm lúa Bắc thơm số 7 với diện tích là 850 ha, lúa Nếp cái hoa vàng với diện tích là 250 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó là 53 ha lúa hữu cơ rất thành công với nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”, hàng năm xuất bán trên 1.500 tấn. Đơn vị này đã được TP. Hà Nội công nhận 2 sản phẩm OCOP (Gạo nếp cái hoa vàng và Gạo Bắc thơm số 7) đạt 4 sao.

Điển hình như mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Hồng Dương và xã Dân Hòa do Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Hiệp Thành thực hiện, với diện tích 11,7 ha.

HTX Thanh Cao thực hiện được 17 ha trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại xã Thanh Cao đã hình thành mô hình hoa lan nhân cấy mô với diện tích 4.500m2 đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Mỹ Hưng cũng có mô hình trồng hoa Lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.500m2.

Chăn nuôi đang phát triển theo hướng an toàn. Nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải.

Một số mô hình trang trại liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện có mô hình Hợp tác xã Hoàng Long nuôi 4.200 con lợn trong đó có 500 nái, 3.700 lợn thịt. Đồng thời, thực hiện việc giết mổ theo công nghệ châu Âu và sơ chế chế biến các sản phẩm an toàn. Hiện đơn vị này có 9 sản phẩm được TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

637494949066192391-lanhodiep-1662463399.jpg
Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai.

Chuỗi sản xuất và tiêu thụ Trứng vịt Liên Châu với 43 hộ hàng ngày xuất bán từ 50.000-60.000 quả ra thị trường. Cạnh đó, còn có 1 mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng với số lượng 10.000 con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Dương hàng ngày xuất bán 80.000 quả trứng ra thị trường.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái thì việc xây dựng các mô hình theo chuỗi là bước đi bền vững của huyện. Các mô hình sản xuất theo chuỗi không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về quy hoạch vùng, quy mô, ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, hình thành nhiều mô hình kinh tế phụ trợ hỗ trợ người dân địa phương.

“Chúng tôi huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng thương hiệu các sản phẩm thông qua phát triển sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất..”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho hay.