Nâng cao giá trị rừng từ nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện quản lý rừng bền vững ở Phú Yên

Tỉnh Phú Yên đang nỗ lực hướng tới mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, cũng như thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có gần 2.900ha rừng gỗ lớn. Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục rà soát quỹ đất, có điều kiện phù hợp để phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

phu-yen-bao-ve-phat-trien-rung-4-1728262945.jpg
Toàn tỉnh Phú Yên có gần 2.900ha rừng gỗ lớn, năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 47%. (Ảnh minh họa)

Nâng cao giá trị từ việc cấp chứng chỉ rừng bền vững

Ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, thời gian qua công tác bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo nên có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 45%, còn cuối năm 2023 trên 47%. Hàng năm, diện tích trồng rừng bình quân khoảng trên 7.000 ha đạt vượt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, để phát triển và quản lý rừng bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn triển khai thực hiện đến các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 14 chủ rừng gồm: 5 Ban quản lý rừng phòng hộ; 2 Ban quản lý rừng đặc dụng và 7 công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, với tổng diện tích hơn 138.400 ha. Đặc biệt hiện tỉnh có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC) với diện tích hơn 11.500 ha, trong đó Công ty TNHH Bình Nam hơn 5.000 ha; Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI hơn 4.600 ha và Công ty TNHH Một thành viên Bảo Châu Phú Yên gần 2.000 ha.

phu-yen-bao-ve-phat-trien-rung-3-1728263082.jpg
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân kiểm tra cây gỗ lớn trên địa bàn xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. (Ảnh: Nhật Huy)

Theo ông Lê Văn Bé, mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, cũng như thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

“Chúng tôi đang khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Từ đó, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng, cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp”, ông Bé chia sẻ.

Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Phú Yên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thấy được lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn, tiến tới liên kết các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Từ đó góp phần tăng tỷ lệ diện tích rừng có chứng chỉ, phù hợp với chiến lược phát triển, kế hoạch lâm nghiệp của địa phương.

Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng

Theo ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có hơn 310.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, hơn 126.900ha rừng tự nhiên, hơn 110.000ha rừng trồng, hơn 20.100ha đất có rừng trồng chưa thành rừng và hơn 52.800ha đất chưa có rừng thuộc 3 loại rừng.

Tuy nhiên phần lớn diện tích rừng trên địa bàn tỉnh nằm chủ yếu ở các khu vực đồi núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, trong khi lực lượng kiểm lâm, quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng, chưa thể đáp ứng được nhiệm vụ đề ra, do đó việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý rừng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.

phu-yen-bao-ve-phat-trien-rung-1-1728263135.jpg
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng trong bối cảnh lực lượng mỏng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. (Ảnh Kim Sơ)

Ông Huỳnh Xuân Quang cũng cho biết, hiện nay Chi cục Kiểm lâm và các Hạt kiểm lâm trực thuộc đang quản lý, sử dụng 8 flycam. Đây là loại thiết bị có thể bay xa và quan sát, theo dõi các vụ cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng; một số máy có thể xác định tọa độ, ghi hình nhiệt vào ban đêm; ngoài ra bản đồ hiện trạng rừng, ranh giới các loại rừng, các chỉ rừng được đưa vào điện thoại Smart phone để theo dõi kiểm tra diễn biến rừng. Từ đó, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, nhân viên kiểm lâm hoàn thành công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Ngoài flycam, Phú Yên còn trang bị nhiều thiết bị cho các đơn vị kiểm lâm như máy GPS cầm tay, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, sử dụng ảnh viễn thám trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; sử dụng phầm mềm theo dõi động vật hoang dã, theo dõi các điểm cháy từ ảnh vệ tinh; phần mềm cập nhật diễn biến rừng FRMS… giúp mang lại hiệu quả rất cao trong công việc.

Vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 658 ngày 14/5/2024 về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng theo phân loại rừng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng một cách bền vững, khai thác tối đa các tiềm năng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Bình Nguyên