Bình Định phân bổ hơn 30 tỷ đồng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng

UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ kinh phí sự nghiệp hơn 30 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 về "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân".

Đây là nguồn kinh phí thuộc dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

binh-dinh-bao-ve-phat-trien-rung-2-1719908963.jpg
Trong năm 2024, tỉnh Bình Định phấn đấu quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh là hơn 415 ngàn héc ta. (Ảnh minh họa)

Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được giao đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Thời gian qua, công tác giao khoán, bảo vệ rừng ở tỉnh Bình Định đã phát huy hiệu quả và mang lại thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hộ ông Đinh Thái nhận bảo vệ 15 héc ta rừng tự nhiên với mức 400 ngàn đồng/năm/héc ta. Khu vực rừng được giao bảo vệ có nhiều cây gỗ lớn nên công tác kiểm tra phải thường xuyên. Ông Đinh Thái cho biết, ông cùng những người tham bảo vệ rừng phải kiểm soát chặt người vào rừng để hạn chế nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào:

“Bà con thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện lâm tặc thì kịp thời báo cáo với ngành chức năng. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng là việc ưu tiên số 1. Khi phát hiện bà con vào rừng đi lấy ong, đi săn... nếu gặp họ thì mình tuyên truyền luôn trong rừng để họ hiểu và nắm được tác hại của cháy rừng”.

binh-dinh-bao-ve-phat-trien-rung-4-1719908944.jpg
Các lực lượng bảo vệ rừng ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định tuần tra, bảo vệ rừng.  (Ảnh minh họa)

Làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp hiện có 157 hộ với 564 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Ba Na, đời sống bà con chủ yếu dựa vào rừng. Năm 2024, làng Hà Ri được giao khoán, quản lý và bảo vệ 2.548 héc ta rừng, trong đó chủ yếu rừng già với nhiều loại gỗ quý và lâm sản phụ dưới tán rừng. Làng Hà Ri đã có 13 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, các thành viên của tổ này phối hợp nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Đinh Thìn, Bí thư Chi bộ, trưởng làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện miền núi Vĩnh Thạnh cho biết các đảng viên ở làng Hà Ri và các tổ bảo vệ rừng cộng đồng đã mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ diện tích rừng Nhà nước giao khoán cho người dân:

“Trong 13 tổ cộng đồng bảo vệ rừng này, cứ một tổ như vậy sẽ có từ 2 đến 3 đảng viên tham gia cùng với tổ. Chúng tôi phân công đảng viên là tổ trưởng để điều hành trong tổ mình trong quá trình đi tuần tra, kiểm tra rừng. Trách nhiệm của người đảng viên thì nhắc nhở trong tổ là đến lịch mình đi. Tổ này thường xuyên đi kiểm tra, cứ một tuần là đi một lần, một tháng các tổ họp một lần để báo cáo tình hình diễn ra ở trong rừng”.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Ðịnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh về tầm quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh liên tục.

binh-dinh-bao-ve-phat-trien-rung-3-1719909058.jpg
Khu vực rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2024, tỉnh Bình Định phấn đấu quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh là hơn 415 ngàn héc ta, phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 8.500 héc ta; chăm sóc 19.500 héc ta rừng trồng; khoán bảo vệ rừng 130 ngàn héc ta.

Đồng thời, thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm; chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên trực tiếp trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, các địa phương đang tập trung rà soát mà đảm bảo điều kiện để bố trí nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người dân để gắn quyền lợi cũng như trách nhiệm người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, phát triển chương trình, dự án này trong những năm 2024 và các năm tiếp theo”./.

Bình Nguyên