Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo về rừng, phòng chống cháy rừng tại Hà Tĩnh

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
z5642918047308-5be80d3eba4495691de8e1db6a2b5e8b-1721259973.jpg
Hà Tĩnh đẩy mạnh áp dụng cộng nghệ số vào công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Áp dụng hệ thống số để bảo vệ rừng

Hà Tĩnh là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, trên 359.000ha chiếm 60% diện tích tự nhiên, địa bàn rộng, hiểm trở. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại mỏng, nên công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng gặp rất nhiều khó khăn. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã khởi động và áp dụng chương trình chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm số, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Nhờ đó đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Trong số trên 359.000 ha rừng và đất lâm nghiệp tại Hà Tĩnh thì có gần 130.000 ha rừng dễ cháy. Hầu hết diện tích rừng này nằm gần với các khu dân cư, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, xen kẽ là rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân… nên nguy cơ cháy rừng và cháy lan rất dễ xảy ra. Nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã đưa vào vận hành hệ thống camera 360 độ, ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ.

z5642918065085-53a7810d8844c64e72ed42208625c5fb-1721259925.jpg
Hệ thống camera 360 độ đã giúp lực lượng Kiểm lâm dễ dàng giám sát BVR - PCCCR.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 7  trạm camera được lắp đặt tại nhiều điểm nóng cháy rừng, giúp lực lượng kiểm lâm theo dõi, giám sát được hàng chục ngàn ha rừng. Từ khi hệ thống camera này đi vào hoạt động, nhiều ha rừng phòng hộ, nhất là diện tích rừng thông có nguy cơ xảy ra cháy cao, đã được giám sát liên tục cả ngày và đêm. Nhờ đó, nhiều đám cháy rừng đã được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời ngay khi bắt đầu hình thành.

Trước đây, để đi kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp, cán bộ Kiểm lâm huyện Can Lộc phải đem theo bản đồ giấy, la bàn, máy định vị GPS thì nay tất cả đều được tích hợp trong một chiếc điện thoại thông minh, máy tính. Mỗi ngày, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn chỉ cần truy cập vào phần mềm được cài đặt trên điện thoại là có thể cập nhật diễn biến rừng, theo dõi các điểm nghi ngờ thay đổi hiện trạng rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Không chỉ giúp hỗ trợ việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin biến động về diện tích, hiện trạng rừng chính xác và hiệu quả, mà các phần mềm chuyên ngành lâm nghiệp cũng đã giúp các cán bộ cùng với các chủ rừng xây dựng phương án để đi kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể ngoài thực địa một cách nhanh chóng, thuận lợi, chính xác.

z5642918053197-085ec9997ad6f200dadb320ad2b7b5be-1721259864.jpg
Ngồi ở trung tâm, nhưng cán bộ Lâm nghiệp vẫn theo dõi sát diễn biến rừng trên địa bàn của mình.

Ông Nguyễn Hồng Phương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc chia sẻ: Hạt kiểm lâm huyện Can Lộc được giao quản lý gần 8.000 ha rừng trải dài trên 16 xã thị trấn trong toàn huyện. Trong đó có 6.000 ha rừng thông, keo và bạch đàn, nguy cơ cháy rất cao. Xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ là vấn đề cấp thiết, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.

Từ năm 2020 đến nay, cùng với việc phát huy hiệu quả hệ thống camera quan sát lửa rừng do Chi cục kiểm lâm tỉnh lắp đặt, Hạt kiểm lâm huyện Can Lộc đã xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho hoạt động tra cứu và điều hành, áp dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Hạt đã sử dụng các thiết bị và phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như: Qgis; Mapinfor; phần mềm VtVtools, camera quan sát và phần mềm theo dõi diễn biến rừng.

Nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng

Theo đó, với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loài cây trồng, năm trồng, trữ lượng... những thiết bị này đã giúp phát hiện sớm các thay đổi về thông tin của từng lô rừng, kịp thời kiểm tra và cập nhật chính xác những biến động về rừng, đất lâm nghiệp, giảm thiểu được thời gian, công sức, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay.

436340519-7079180582181378-8649452726629525034-n-1721259940.jpg
Trước đây, lực lượng Kiểm lâm thường phải lập và cử cán bộ trực gác tại các cửa rừng.

Tại Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn, nếu như trước đây, những ngày hè là thời gian cao điểm mà cán bộ phải ngày đêm thay nhau trực gác ở các cửa rừng để canh “giặc lửa”. Thì nay, cán bộ hạt chỉ việc ngồi trong phòng theo dõi qua hệ thống camera 3600 chuyên dụng. Nhờ hệ thống camera, dù giữa trưa nắng hay trong đêm khuya, chỉ cần xuất hiện 1 vệt khói nhỏ ở cách xa 10km là đã có thể dễ dàng nhìn thấy qua màn hình theo dõi được đặt tại trụ sở hạt kiểm lâm huyện, hoặc qua điện thoại smartphone, máy tính bảng của từng cá nhân nên hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Hương Sơn từng bước được nâng cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Danh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho hay: Với đặc thù rừng núi ở địa phương khá phức tạp, diện tích lớn nhưng nhân lực lại quá mỏng nên gây khó khăn rất lớn trong việc quản lý và bảo vệ rừng đặc biệt trong mùa nắng nóng. Việc đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát lửa rừng đã hỗ trợ lực lượng trực báo cháy rất nhiều, góp phần ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các đám cháy xảy ra.

Nhiệm vụ của hệ thống camera là theo dõi tình hình các khu vực rừng 24/24 giờ và truyền tín hiệu về trung tâm, giúp lực lượng túc trực có thể phát hiện các sự việc bất thường, các đám cháy rừng để xử lý kịp thời. Các camera được lắp đặt là loại chuyên dụng, có độ phân giải cao, tầm quan sát xa tới 10 km trong điều kiện bình thường. Cứ 2 - 3 phút, hệ thống camera lại chuyển dữ liệu hình ảnh về trung tâm, giúp người làm nhiệm vụ có thể nhìn thấy những đám khói dù là nhỏ nhất, để kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng sớm kiểm tra, xử lý ngoài thực địa.

z5642918127446-9f1e57aa59eb01027a26b5382148f579-1721259881.jpg
Công nghệ số đã giúp cán bộ Lâm nghiệp tiện lợi hơn trong công tác giám sát, quản lý rừng.

Với một địa bàn có diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng thì hệ thống camera còn giúp giảm thiểu lực lượng gác rừng vào cao điểm nắng nóng. Trước đây, vào thời điểm này, đơn vị  phải bố trí nhiều tổ, chốt, mỗi tổ từ 2 đến 3 người canh gác 24/24 giờ tại các điểm hay xảy ra cháy. Nhưng từ khi có hệ thống camera, lực lượng chức năng không phải lập chốt canh gác rừng, giúp tiết giảm kinh phí và nhân công, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ rừng.

Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng các thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào thực hiện nhiệm vụ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng Kiểm lâm nói riêng và các lực lượng nói chung trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Qua đó, không chỉ góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là các vụ cháy rừng, phá rừng trái pháp luật mà còn cho thấy những nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đẩy nhanh lộ trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số./.

Nguyễn Duyên