Những năm qua công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các huyện, thành phố.
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của toàn dân trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt trực tiếp lực lượng nòng cốt chính là Kiểm lâm Thái Nguyên nên thời gian qua các nhiệm vụ đề ra trong công tác bảo vệ rừng luôn đạt kết quả tốt.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng cơ bản được kiểm soát, diện tích rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp giảm từ 535 vụ năm 2013 giảm còn 57 vụ năm 2022 (giảm 478 vụ); số vụ cháy rừng giảm; tỷ lệ che phủ rừng tăng hàng năm từ 46,33% năm 2017 lên 47,06% năm 2022 (tăng 0,73%); bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 7%/năm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được những thành quả đó, 50 năm qua Kiểm lâm Thái Nguyên đã nỗ lực xây dựng và phát triển toàn diện, bộ máy tổ chức được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm lâm không ngừng được nâng cao.
Với phương châm sát dân, bám rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã bám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh, trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, nhờ đó những năm qua tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp giảm sâu hàng năm, không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép...
Công tác bảo vệ rừng bước đầu đã có sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã có sự chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng đất rừng để thu hút các dự án phát triển kinh tế không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất lâm nghiệp và nâng cao đời sống cho người dân miền núi.
Để người dân hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của việc bảo vệ rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã tổ chức hàng trăm lớp tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực với hàng chục nghìn lượt người tham gia, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: Theo dõi diễn biến rừng, sử dụng phần mềm Mapinfo, QGIS trong thành lập bản đồ hiện trạng rừng và bản đồ diễn biến rừng; nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; quản lý rừng bền vững, tài liệu hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đến các hộ gia đình, các trưởng xóm trên địa bàn tỉnh… góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Kiểm Lâm Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Lạng Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, phó ban lâm nghiệp xã, trưởng thôn, tổ quần chúng bảo vệ rừng của các xã trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…
Lực lượng kiểm lâm đã tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm tra truy quét được 547 buổi, với 2.180 lượt người tham gia, vận động người dân tự nộp 1 khẩu súng tự chế, bàn giao 2 cưa xăng, tiêu hủy 1 lán trại và nhiều tang vật khác… Phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa, tiêu hủy, tháo dỡ các tang vật gồm: 8 máy nổ, 4 máy nghiền đá, 2 máy nén khí, 2 máy bơm, 1000m dây điện, 6000m vòi nhựa dẫn nước và 15 lán trại.
Trước xu thế hội nhập và tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế thị trường, những biến đối khí hậu thất thường cùng các hoạt động phá hoại khai thác rừng manh động của các đối tượng lâm tặc đã đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho lực lượng kiểm lâm.
Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới, Kiểm lâm Thái Nguyên tăng cường phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành và nhân dân địa phương trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Chương trình số 17-CTr/TU ngày 22/9/2017 của tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình hành động về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017...
Lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khoa học. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm đối với công tác bảo vệ rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị giáp ranh để thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả; thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, động viên cán bộ công chức - người lao động trong lực lượng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình triển khai nhiệm vụ kiểm lâm; thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, tuy có nhiều khó khăn thử thách nhưng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Thái Nguyên. Những thành quả và truyền thống vẻ vang đó có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng kiểm lâm, đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.