Để hoàn thành mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đang giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, trong đó là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. Hiện nay, hệ thống giao thông chậm được đầu tư hoặc đã xuống cấp, chưa kịp thời duy tu bảo dưỡng. Việc quản lý chung chưa tốt, tình trạng họp chợ, quán bán hàng gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tính đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Trong số đó, có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Khai Quang 216 ha, Bình Xuyên 286 ha, Kim Hoa 50 ha, Bá Thiện 325 ha, Bình Xuyên II - giai đoạn 1 là 42 ha, Bá Thiện II 308 ha, Tam Dương II - khu A 135 ha, Thăng Long Vĩnh Phúc 213 ha. Cùng với 6 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021 gồm: Sông Lô II, Tam Dương I - Khu vực 2, Sông Lô I, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1).
Bên cạnh đó, trong Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phải hình thành 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 700 ha và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp còn dở dang, thu hút đầu tư lấp đầy 22 cụm công nghiệp đã được hình thành và thành lập. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp về vốn đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hệ thống điện phục vụ cụm công nghiệp.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp được thành lập và 6 cụm công nghiệp được coi là hình thành; có 599 dự án và hộ kinh doanh cá thể đã được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động, trong đó, cụm công nghiệp Hương Canh và cụm công nghiệp Tân Tiến đã lấp đầy 100%. Các cụm công nghiệp hoàn thành, đi vào hoạt động đã và đang góp phần quan trọng tạo quỹ đất thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở lứa tuổi khác nhau và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Vĩnh Phúc đang có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đơn vị kinh doanh hạ tầng khi thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác hạ tầng cụm công nghiệp như: Hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; rà, phá bom, mìn trong cụm công nghiệp; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện phục vụ cụm công nghiệp và xây dựng nhà điều hành, quản lý cụm công nghiệp, theo đơn giá xây dựng Nhà nước.../.