Năm 2022: Tiền Giang thích ứng để khôi phục sản xuất

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2022, cụ thể hóa phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Tiền Giang hướng đến nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định cuộc sống nhân dân.

Tiền Giang tiếp tục phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền; huy động tốt các nguồn lực, đảm bảo thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Địa phương triển khai nhanh các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; chú trọng khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, thông tin rộng rãi, giới thiệu danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong ngoài nước.

Nhằm tạo đột phá cải cách hành chính, tỉnh khẩn trương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khó khăn và phiền hà cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là trong các khâu miễn giảm thuế, vận chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tiền Giang đã đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính thông qua thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phát huy tối đa hiệu quả đường dây nóng và các kênh thông tin từ mạng xã hội nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, giải ngân nhanh, kịp thời các gói hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; phổ biến kịp thời các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Qua đó, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội vững chắc sau đại dịch.

Tỉnh phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 6,0 đến 7,0%, GRDP bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,35 tỷ USD, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.750 tỷ đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.828 tỷ đồng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 670 doanh nghiệp. Phấn đấu giải quyết việc làm cho 12.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 52,5%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 giảm 1% so với năm 2021…

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Đình Thông cho biết, đúc kết kinh nghiệm ứng phó hiệu quả dịch bệnh vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong năm vừa qua, Tiền Giang đưa ra những nhóm giải pháp phát triển mang tính bển vững năm 2022 và các năm tiếp theo phù hợp tình hình mới.

Đó là nhóm giải pháp hỗ trợ về tín dụng nhằm chia sẻ khó khăn và giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch; nhóm giải pháp hỗ trợ về tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất và chăm lo đời sống người lao động thông qua thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh để lại những hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.

Tiền Giang cũng tích cực thúc đẩy sản xuất, kích cầu, mở rộng thị trường. Theo đó, chú trọng kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, không để khan hiếm hàng hóa hoặc mất cân đối cung, cầu… Đồng thời tỉnh cũng triển khai nhóm giải pháp hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động để chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi kinh tế mạnh mẽ và đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất thông qua.

Là một trong những mũi nhọn kinh tế địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phục hồi và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, hiện đại.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang-Nguyễn Văn Mẫn cho biết, được UBND tỉnh Tiền Giang giao trọng trách, ngay trong đầu năm 2022, Sở chủ trì phối hợp cùng các cấp, các ngành hữu quan triển khai các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở xác định những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh để tập trung đầu tư khoa học công nghệ. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nông dân. Ngành sẽ lấy liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản hàng hóa làm trọng tâm và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao làm động lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp địa phương.

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Mẫn, trước mắt, Sở chỉ đạo tổ chức sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân 2021 – 2022 bù đắp những thiệt hại cho sản xuất và đời sống nông dân trong năm 2021 vừa qua bởi đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Tiền Giang tập trung hỗ trợ bà con đẩy mạnh trồng trọt và chăn nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới mang lại hiệu quả cao tạo đà cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm 2022.

Theo kế hoạch, trong vụ sản xuất Tết Nguyên đán 2022, nông dân Tiền Giang dự kiến cung ứng thị trường khoảng 85.000 tấn trái cây các loại, trên 26.000 tấn rau màu, 1.070.000 chậu hoa kiểng, 1.200 tấn thịt bò, 4.000 tấn thịt lợn, 4.800 tấn thịt gia cầm…

Là đô thị trung tâm tỉnh, năm 2022, thành phố Mỹ Tho phát huy thành quả và bài học kinh nghiệm đạt được trong thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa phát triển kinh tế của năm qua, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 98,5 triệu đồng/người/ năm, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương 856 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10.060 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5.500 lao động...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho Nguyễn Quang Thành, địa phương tiếp tục khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19 nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiềm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP; chú trọng các khâu quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở huy động các nguồn lực sẵn có. Thành phố tập trung đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, ưu tiên phát triển thương mại – dịch vụ và các khu đô thị.

Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, có thế mạnh về các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, trồng lúa năng suất cao, trồng thanh long xuất khẩu, huyện Tân Phước phục hồi sản xuất, thích ứng an toàn, hiệu quả đại dịch theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững gắn kết chuỗi giá trị và giảm nhẹ thiên tai.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước- Huỳnh Văn Bườn cho biết, địa phương tập trung cho các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh như: dứa (khóm), thanh long, mít, lúa chất lượng cao gắn kết với thị trường nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng trong tình hình mới. Theo đó, huyện đảm bảo sản lượng cả năm đạt trên 105.000 tấn lúa, trên 310.000 tấn trái cây các loại, khoảng 22.000 tấn rau màu, hàng chục ngàn tấn màu lương thực, chủ yếu là khoai mì, khoai mỡ đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười.

Năm qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mang lại cơ hội không nhỏ giúp Tiền Giang khắc phục các mặt yếu kém, hạn chế, trì trệ lâu nay của guồng máy nhằm phát triển bền vững trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong năm 2021, địa phương đạt một số kết quả trên một số lĩnh vực quan trọng như: GRDP bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 38.665 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2020, thành lập mới 580 doanh nghiệp, thu hút thêm 8 dự án đầu tư mới, tổng thu ngân sách trên 8.329 tỷ đồng,…cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Phát huy truyền thống hào hùng và khí thế “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiền Giang đang huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân để giành lấy những thắng lợi mới. Từ đó, đưa tỉnh vượt qua đại dịch, trở lại quỹ đạo phát triển phù hợp tình hình mới năm 2022 cũng như giai đoạn 2021 – 2025./.