Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, nông dân các làng hoa kiểng nổi tiếng trong tỉnh như: Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9 (thành phố Mỹ Tho), Thạnh Mỹ (Tân Phước), Mỹ Lương và Hậu Thành (Cái Bè)… trồng và cung ứng khoảng 1.070.000 chậu hoa kiểng các loại, chủ yếu là hoa cúc các loại, cát tường, vạn thọ, mào gà, dứa phụng, dứa son, mai vàng và các loại cây kiểng độc đáo khác...
Đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong năm qua đã ảnh hưởng đến sản xuất nói chung và vụ hoa kiểng Tết Nhâm Dần 2022 của nông dân Tiền Giang nói riêng. Do lo ngại về đầu ra và cân đối cung – cầu, số lượng đơn đặt hàng từ đầu vụ giảm so với những năm trước đây nên sản lượng hoa, kiểng cũng sụt giảm theo, chỉ bằng 88,4% so với vụ Tết năm 2021.
Thành phố Mỹ Tho có truyền thống về trồng và cung ứng hoa, kiểng cho thị trường Tết các tỉnh, thành phía Nam với nhiều làng hoa nổi tiếng: Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9…
Theo Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho Nguyễn Thành Công, nông dân địa phương hiện đã xuống giống được 450.000 giỏ hoa các loại phục vụ thị trường Tết, thấp hơn vụ hoa tết năm trước khoảng 550.000 giỏ. Ngoài ra, bà con các làng hoa còn trồng khoảng 1.000 chậu bông giấy, kiểng bonsai, xương rồng, 8.500 gốc mai kiểng…. Nhìn chung, số lượng hoa, kiểng tết tại địa phương giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Ngô Thị Mai, hộ dân trồng hoa ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho) cho biết, do lo sợ nhu cầu thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gia đình bà chỉ chuẩn bị khoảng 2.000 giỏ hoa cúc, vạn thọ, mào gà. Trà hoa đang phát triển tốt. Gia đình bà Mai cùng các hộ dân trồng hoa tại địa phương kỳ vọng vụ hoa tết năm nay thắng lợi để có thu nhập trang trải cuộc sống thời điểm khó khăn hiện nay.
Trên địa bàn huyện Cái Bè có hơn 100 hộ làm nghề ươm hoa, trồng, cung ứng hoa tết, chủ yếu tập trung ở xã Mỹ Lương và xã Hậu Thành. Qua đó, giúp giải quyết lao động nhàn rỗi, người dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Riêng ở xã Thạnh Mỹ ( huyện Tân Phước) nằm trong vùng Đồng Tháp Mười hàng năm vẫn giữ truyền thống trồng dứa son, dứa phụng kiểng Tết, tập trung tại ấp Mỹ Lộc với khoảng vài chục hộ dân, mỗi vụ Tết cung ứng khoảng vài ngàn gốc dứa son, dứa phụng. Theo bà con, những năm trúng mùa, có nhiều trái dứa son, dứa phụng đẹp, kiểu dáng độc đáo và trúng giá đã mang lại thu nhập khá cao, đủ để nông dân ăn Tết rôm rả.
Ông Hà Văn Bảy, nông dân đi tiên phong trồng dứa phụng kiểng tại huyện Tân Phước cho biết, hàng năm ông trồng và cung ứng thị trường khoảng 200 trái dứa phụng, thu nhập vài chục triệu đồng, đủ trang trải chi phí trong dịp Tết Nguyên đán. Trong các năm trước dứa phụng được thị trường ưa chuộng, bán được giá, ông từng có những trái dứa phụng kiểu dáng độc đáo và màu sắc đẹp được thương lái thu mua từ 250.000 - 300.000 đồng/trái.
Còn hiện nay, nông dân đang tập trung chăm sóc hoa, kiểng nhằm có sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã đẹp, kiểu dáng độc đáo cung ứng đúng dịp Tết theo yêu cầu của khách hàng. Bà con cho biết, nghề trồng hoa Tết đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, bảo đảm cho ra sản phẩm đẹp, bắt mắt và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.Theo đánh giá, thời tiết thuận lợi, các chủng loại hoa đã gieo trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Nông dân các làng hoa tại tỉnh Tiền Giang đang kỳ vọng một vụ hoa Tết Nguyên đán thích ứng an toàn COVID-19 bội thu, bù lại những thua thiệt cho sản xuất bởi thiên tai, dịch bệnh trong năm vừa qua khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong đời sống./.