Mỹ: Doanh thu bán lẻ giảm mạnh mùa mua sắm cuối năm

Lạm phát đã thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ dịp cuối năm. Người Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng tạp hoá, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, nhà hàng và quán bar. Tuy nhiên, chi tiêu cho xe cộ, nội thất, hàng điện tử, quần áo đều giảm.

Doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 11/2022 giảm mạnh hơn dự kiến, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn được hỗ trợ nhờ sự thắt chặt của thị trường lao động, với số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng.

Doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 11/2022 đã giảm 0,6% so với tháng 10/2022 xuống 689,4 tỷ USD, ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2021, sau khi tăng 1,3% trong tháng Mười. Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo doanh số bán hàng chỉ giảm 0,1%. Các nhà kinh tế lưu ý rằng giá hàng hóa giảm trong tháng 11/2022 có thể ảnh hưởng đến doanh thu bán lẻ trong tháng. Các chương trình giảm giá của các nhà bán lẻ cũng có thể là một nhân tố làm giảm doanh thu. Doanh số bán lẻ chủ yếu là hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát.

Theo Reuters, doanh số tại các đại lý ô tô giảm 2,3%. Doanh số bán lẻ trực tuyến, đồ nội thất cũng giảm lần lượt 0,9% và 2,6%. Trước đó, tháng 10, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng mạnh khi người Mỹ bắt đầu mua sắm sớm hơn do các đợt khuyến mãi lớn, kéo dài của các doanh nghiệp. Lạm phát đã giảm từ 7,7% trong tháng 10 xuống 7,1% trong tháng 11. Đây là nguyên nhân góp phần giảm doanh số bán lẻ tháng 11 tại Mỹ.

Còn theo CNBC, chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau một loạt các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng vừa được công bố. Tờ báo trích ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng toàn cầu yếu, đồng USD tăng mạnh cộng với lực cản từ lãi suất trong nước cao hơn, cho thấy dấu hiệu của sự suy thoái có thể sắp xảy ra.

doanh-so-ban-le-tai-my-tang-cao-20221117125837-1671194880.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, theo AP, vẫn còn có một số tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Đó là thị trường lao động tại Mỹ vẫn mạnh ngay cả khi FED lần thứ 7 trong năm nay, tăng lãi suất. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 211.000 trong tuần kết thúc vào ngày 10/12. Người tiêu dùng tại Mỹ đang phải chi tiêu nhiều hơn cho những đồ thiết yếu dù giá vẫn còn đắt đỏ. Lễ Giáng sinh sắp đến gần, song người dân Mỹ dường như ít mở hầu bao hơn và mua quà ít hơn. Điều này cũng làm tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Nhà kinh tế Daniel Silver tại JPMorgan nhận định tại thời điểm này, thật khó để biết liệu tình trạng sụt giảm doanh thu trong tháng trước có phải là sự thay đổi cơ bản trong xu hướng hay sự hạ nhiệt không thể tránh khỏi sau đợt tăng mạnh chi tiêu trong tháng 10.

Will Compernolle, nhà kinh tế cấp cao tại FHN Financial ở New York cho rằng, nếu tính đến tình trạng thiểu phát hàng hóa và mức chi tiêu mạnh trong tháng Mười, vẫn còn quá sớm để gọi đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định số liệu bi quan về doanh số bán hàng cho thấy chi phí đi vay cao hơn và nguy cơ suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình. Các khoản tiết kiệm, vốn giúp người tiêu dùng chống lại lạm phát, đang giảm dần. Tỷ lệ tiết kiệm trong tháng Mười đã xuống 2,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2005.

Thi Nguyên (t/h)