Ngày ấy, chợ quê trở nên sôi động lạ thường, khi những mẹt hàng chất đầy cá khoai tươi rói và những củ khoai cốc hương trái vụ từ vườn nhà là nguyên liệu cho món canh "song khoai" mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi.
Cá khoai, loài cá thân mềm, nhỏ nhắn chỉ bằng hai ngón tay, thịt trắng, bùi bùi, được đánh bắt từ vùng biển nông gần bờ, cùng khoai cốc hương - thứ khoai củ đặc trưng leo bám lên những cây choái ngoài vườn - đã tạo nên món canh mà bất cứ ai thưởng thức cũng phải thầm mê. Mùa bội thu cá khoai dường như được thiên nhiên khéo léo an bài trùng hợp với mùa khoai cốc hương trên đất liền. Từ cuối hạ sang thu, chợ quê rộn ràng với tiếng rao bán cá, khoai, chuẩn bị cho những bữa cơm ngon lành, mà trong đó, bát canh “song khoai” là đỉnh cao của sự tinh tế.
Tôi nhớ những ngày cuối tháng Chạp âm lịch năm trước, ông tôi bắt đầu làm đất, chuẩn bị cho vụ trồng khoai cốc hương trái vụ. Mỗi nhát cuốc của ông dường như không chỉ là động tác thường ngày, mà còn là sự vun đắp cho cả một mùa thu trù phú phía trước. Bà tôi đứng cạnh, cẩn thận cắm từng cây choái tre để những dây khoai tím non yếu có thể bám chặt mà vươn lên. Thời gian trôi, những cơn mưa thấm đượm đất đai, dưỡng thêm màu xanh mướt của lá khoai, hứa hẹn một mùa thu hoạch đầy ắp.
Đến đầu thu, khi đất trời bắt đầu se lạnh, ông tôi lại khoác lên vai chiếc quang gánh, cùng tôi ra vườn đồi khoai cốc hương để đào những củ khoai đầu tiên chuẩn bị cho nồi canh đặc biệt. Những củ khoai tím tròn trĩnh, thơm lừng, bám đầy đất, như một phần linh hồn của mùa thu mà gia đình tôi háo hức mong chờ. Ngoại tôi thì cặm cụi ngoài chợ, bán khoai kiếm thêm chút ít tiền để chi tiêu trong gia đình.
Mỗi khi thu về, ngoại lại tỉ mỉ nấu món canh song khoai - một sự kết hợp hoàn hảo giữa cá khoai và khoai cốc hương. Bà ngoại gọt vỏ khoai, cắt lát dày, chiên sơ qua trong nồi mỡ heo phi hành tím. Sau đó, bà nấu cùng nước dùng cho đến khi khoai mềm nhừ. Cá khoai, sau khi được ướp đậm đà với tiêu, nước mắm và chút nghệ, riềng, sả, được bà thả vào nồi canh, tạo nên hương vị quyến rũ, đậm đà. Mỗi bát canh khi bưng lên tỏa mùi thơm ngào ngạt, màu sắc rực rỡ của ớt đỏ, hành lá xanh, khoai tím và thịt cá trắng, thật khó cưỡng.
Món canh khoai cốc hương không chỉ là hương vị của mùa thu, mà còn là tình thương vô bờ của ngoại tôi. Mỗi bữa cơm, cả nhà quây quần bên nhau, thưởng thức từng thìa canh nóng hổi, thơm phức. Món canh ấy như lời nhắc nhở về những điều giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc và thấm thía. Trong từng miếng cá, lát khoai, là bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi, cùng tình yêu thương của ngoại dành cho gia đình.
Những ngày thu nơi xứ lạ, giữa những bận rộn cuộc sống, tôi vẫn thường nhớ về quê hương, nhớ từng buổi chiều thu se lạnh, ngồi bên mâm cơm gia đình, hít hà mùi thơm của bát canh khoai cốc hương. Nhớ ngoại - người đã dành cả cuộc đời lo cho con cháu. Giờ đây, mỗi lần thấy bóng dáng những dây khoai cốc hương leo trên bờ rào ai đó, lòng tôi lại bồi hồi, như thấy mình được trở về thời thơ ấu, về với bữa cơm gia đình ấm áp, và với những lời ngoại ân cần nhắc nhở.
Thu về, nhớ canh khoai một, nhưng nhớ ngoại đến mười. Nhớ đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn của ngoại, từng nhát dao gọt khoai, từng lời dạy bảo đầy tình thương. Trong từng bát canh, là cả một tuổi thơ, một miền ký ức không bao giờ phai nhạt. Và giờ đây, giữa đất khách quê người, mỗi lần nhớ về, trái tim tôi lại rung lên những cảm xúc khó tả, như lời gọi về từ mùa Thu của quê hương yêu dấu./.