Thực tế cho thấy, giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của các doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các tháng trong năm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương TP. HCM, trong cơ cấu giá hàng hóa, xăng dầu chỉ chiếm tỉ trọng không lớn, việc giảm giá xăng dầu chỉ là điều kiện để điều chỉnh giá cả hàng hóa. Trong khi đó, nhiều mặt hàng thiết yếu đang có giá đầu vào tăng mạnh, giá nhập khẩu không giảm gây ảnh hưởng lớn cho việc giảm giá của doanh nghiệp (DN). Thành phố cũng đang xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023, trong đó ưu tiên về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi để phục vụ đầu tư chuyển đổi số, mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu...
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. HCM cho biết, gần đây giá cả đầu vào một số sản phẩm tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20-30%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thực phẩm vẫn cố gắng giữ giá từ nay đến Tết Nguyên đán.
Phía hiệp hội cũng đã kiến nghị Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kho vận… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, do chi phí đầu vào vẫn đang tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm nên các đơn vị xin giữ nguyên giá bán bình ổn đã đăng ký.
Ghi nhận cho thấy, hơn một năm nay, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm tại TP. HCM không thể giảm giá các mặt hàng.
Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, hiện giá thức ăn và chi phí nhân công đều tăng nên doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để giữ mức giá không tăng cao chứ không thể giảm.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Vissan, với quy định của chương trình bình ổn, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm 5-10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán. Khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp thực hiện đăng ký lại giá bán với Sở Tài chính và phải được đơn vị này chấp thuận bằng văn bản, quy định cụ thể về giá và thời điểm áp dụng. Giá cả quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, chỉ khi cho điều chỉnh giá kịp thời, doanh nghiệp mới tồn tại để chia sẻ và hỗ trợ người dân.
Được biết, qua báo cáo của các DN, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2%- 4 % trong cơ cấu giá thành sản phẩm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều mặt hàng diện bình ổn chưa giảm giá thời gian vừa qua chủ yếu bị tác động bởi chi phí nguyên liệu và thuê nhân công tăng cao. Do đó, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong diện bình ổn chưa thể điều chỉnh giảm, các DN đang cố gắng hết sức để giữ giá ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá.