Môi giới Bất động sản và giải pháp về nề nếp hoạt động

Hiện nay, đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi.

Theo số liệu báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, đến nay có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 50.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm khoảng 10% (một tỷ lệ rất thấp). Đội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường BĐS tăng nóng. Những người này không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.

1-1655971346.jpg
Môi giới BĐS rất cần những giải pháp đi vào nề nếp, có như vậy thị trường BĐS mới vận hành an toàn và minh bạch.

Không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở các địa phương, gây náo loạn thị trường, đồn thổi giá để trục lợi. Họ là tác nhân chính khiến giá nhà đất lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Không ít khách hàng là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại đối với xã hội là vô cùng to lớn.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Để giữ đúng vai trò nhà môi giới BĐS, mỗi tổ chức, cá nhân tham gia đều phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề và trách nhiệm xã hội trên thực tế có không ít cá nhân, tổ chức môi giới BĐS chưa am hiểu đầy đủ về pháp luật, thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên xảy ra một số tình trạng gây “sốt ảo” trên thị trường BĐS. Do vậy, cần tạo khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ môi giới BĐS phát triển đúng hướng. Các nhà môi giới BĐS phải qua đào tạo, sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề, quá đó giúp mỗi nhà môi giới đều tự hào với nghề nghiệp và đóng góp tích cực hơn vào thị trường”.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề môi giới BĐS kèm theo những chế tài. Cụ thể, Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi “Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định”; Phạt tiền từ 120 -160 triệu đồng đối với một trong các hành vi “Kinh doanh môi giới BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng”. Điều này cho thấy, phần lớn lực lượng môi giới hiện nay thiếu kiến thức căn bản để hành nghề, đặc biệt là kiến thức về pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS.

“Bên cạnh đó, cần sớm chuẩn hóa tiêu chuẩn, chuyên môn của người hoạt động môi giới, tránh việc tùy tiện “thổi giá”, thao túng thị trường BĐS và cần có mã số hành nghề cho mỗi nhà môi giới BĐS để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, giám sát và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm. Bởi lẽ, khi ra phòng công chứng, môi giới phải để lại mã số hành nghề, sau này giao dịch có sai lệch, không đúng quy định thì môi giới đó sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, từ đó giảm thiểu được lực lượng “cò” đất, môi giới không chuyên nghiệp, làm ăn chụp giật, tìm mọi cách để có hoa hồng”, ông Trần Đình Quý nhấn mạnh.

Do đó, để thị trường BĐS vận hành an toàn và minh bạch, trước hết cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới BĐS chính thức tại các sàn giao dịch bất động sản. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự minh bạch, hiệu quả của thị trường bất động sản. Cần xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới; cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới cá nhân hay tổ chức.

Mặt khác, cần nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch. Cân nhắc bắt buộc giao dịch qua Sàn môi giới BĐS đối với một số loại hình BĐS, đặc biệt là BĐS hình thành trong tương lai và tại một số đô thị đặc biệt. Trong hợp đồng đặt cọc, cần có xác nhận của Môi giới với mã số hành nghề riêng. Sau đó đến bước ký hợp đồng sang nhượng, cho thuê. Cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS.

Một số ý kiến cho rằng, cơ quan nhà nước cần xem xét, giao cho Hội Môi giới BĐS Việt Nam chủ trì việc cấp, quản lý mã số định danh và tham gia vào việc khuyến cáo, giám sát hội viên thực hiện đúng quy định pháp luật. Quy định cơ chế báo cáo đối với các đơn vị môi giới không phải là sàn giao dịch. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng chính sách và điều tiết thị trường. Đồng thời, tạo sự công bằng cho tất cả các tổ chức tham gia hoạt động môi giới BĐS.

Đạm Quang Lê