Môi giới Bất động sản và những bất cập

Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay có gần 90% môi giới hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém. Việc chất lượng đội ngũ môi giới không đảm bảo đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Luật Đất đai năm 1993 ra đời đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam hình thành và phát triển. Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh BĐS đầu tiên. Từ đây, các hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng và kinh doanh dịch vụ BĐS, trong đó có môi giới BĐS được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật. Nghề môi giới BĐS được khai sinh từ đây và cũng là lần đầu tiên nghề này tại Việt Nam được thừa nhận với địa vị pháp lý được xác lập rõ ràng. Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh BĐS mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị của Luật Kinh doanh BĐS 2006 và sửa đổi bổ sung những bất cập trong quá trình thực thi luật cũ. Qua đó, hoạt động môi giới BĐS được quy định khá cởi mở, ít bị giới hạn bởi các điều kiện khắt khe như Luật Kinh doanh BĐS 2006.

1-1655199709.jpg
Thời gian tới, những bất cập, tồn tại của nghề môi giới BĐS rất cần những những giải pháp, quy định rõ đi vào nề nếp đối với đội ngũ những người làm công việc này.

Cho đến nay, nghề môi giới BĐS đã hình thành và phát triển gần 16 năm kể từ khi Luật Kinh doanh BĐS 2006 ra đời, lực lượng các nhà môi giới, sàn giao dịch BĐS đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần quyết định vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, thị trường dịch vụ môi giới BĐS đang phát triển theo hướng còn nhiều bất cập, dẫn đến có những hoạt động“méo mó”, khiến xã hội vẫn kỳ thị gọi các nhà môi giới BĐS là “cò đất”. Thực tế, còn nhiều môi giới hoạt động chụp giật, làm ăn bất chấp đạo lý và quy định của pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, gian dối khách hàng, ảnh hưởng chung đến thị trường này.

Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Thị trường dịch vụ môi giới BĐS phát triển không kiểm soát, cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay môi giới BĐS là ngành nghề gần như không có rào cản gia nhập và rút lui, mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia. Thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Việc phát triển quá nhanh khiến cho việc cạnh tranh khá gay gắt, cạnh tranh không lành mạnh”.

Tình trạng bị chủ đầu tư chèn ép hoặc các sàn tự “cắt máu” diễn ra khá phổ biến, dẫn tới chất lượng dịch vụ suy giảm, lừa đảo phát sinh, gây nên nhiều tiếng xấu trong xã hội. Vai trò của nhà môi giới mờ nhạt, địa vị pháp lý không rõ ràng và với các quy định của pháp luật hiện hành, không cần có môi giới, giao dịch vẫn dễ dàng hoàn thành. Hai bên bán và mua có thể tự thỏa thuận, tự ký kết và hoàn thành giao dịch mà không cần sự tham gia của nhà môi giới. Các chủ đầu tư, tự do thành lập bộ phận bán hàng, bán trực tiếp đến người mua mà không cần phải lập sàn hay bán hàng thông qua nhà môi giới.

“Môi giới phần lớn hoạt động không khác gì người “dẫn mối” hoặc sale bán hàng. Không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, đồn thổi giá để trục lợi. Họ là tác nhân chính khiến giá nhà đất lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Không ít khách hàng là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng to lớn”, ông Trần Đình Quý nhấn mạnh.

Hiện nay, nhà nước chưa có cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia sâu hơn vào các giao dịch BĐS hoặc ràng buộc bằng các cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới. Môi giới không trực tiếp đóng góp nhiều vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đối với các nhà môi giới cá nhân, pháp luật cho phép hoạt động môi giới độc lập và yêu cầu tự đăng ký kê khai thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất hiếm có trường hợp môi giới tự kê khai và nộp các khoản nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

Theo chuyên gia, để hướng đến một thị trường môi giới BĐS chuyên nghiệp, thời gian tới cần siết chặt các quy định hoạt động nghề nghiệp, bổ sung những quy định còn thiếu, đào tạo bài bản những môi giới mới vào nghề. Để làm được điều đó, cần có sự tham gia quyết liệt của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp dịch vụ BĐS, Hội môi giới BĐS, các nhà môi giới và người mua sản phẩm BĐS. Nếu thực hiện được như vậy mới góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Đạm Quang Lê