– Vì sao đang rất thành công với vai trò biên tập viên, người dẫn chương trình của ” Cuộc sống thường ngày” Hoàng Trang lại chuyển sang VTV6?
Đây là câu hỏi rất nhiều phóng viên và cả đồng nghiệp hỏi tôi khi thấy một quyết định “ngược đời” như vậy. Thường thì khi đã có một vị trí nhất định ở Ban Thời sự VTV, được khán giả yêu mến và gắn tên mình với chương trình có thương hiệu như Cuộc sống thường ngày (CSTN), có lẽ, chẳng ai tự nhiên lại dịch chuyển như tôi cả. Vì, được là phóng viên Thời sự là niềm mơ ước với bất cứ phóng viên báo hình nào, tôi nghĩ vậy. Bản thân tôi cũng biết ơn quãng thời gian gần 9 năm làm thời sự,biết ơn chương trình CSTN vô cùng bởi từ chương trình này,tôi đã có một thương hiệu ít nhiều có dấu ấn trong lòng công chúng, và có những trải nghiệm quý giá trong nghề.
Nhưng, tôi là một phóng viên có tính cách và tâm hồn nghệ sĩ. Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật và luôn có đam mê được làm những chương trình có liên quan đến âm nhạc. Bố mẹ tôi là những nghệ sĩ chân chính, bản thân tôi có máu nghệ thuật chảy trong người,nên, nếu không vì lý do bất khả kháng là thanh quản có vấn đề, có lẽ giờ này tôi đang ca hát ở một sân khấu nào đó chứ không có một biên tập viên Hoàng Trang ngồi nói chuyện với anh thế này đâu.
Rời Thời sự là một quyết định mạo hiểm,nhưng có lẽ là dũng cảm nhất của tôi, để theo đuổi một chương trình mà tôi yêu thích và mơ ước được làm từ lâu- ” Giai điệu tự hào”. Cho nên, tôi quyết định bắt đầu lại từ đầu,” khởi nghiệp ở tuổi 35″.
Khi tôi quyết định xin sang VTV6, là khi Ban thanh thiếu niên đã làm chương trình được 3 tháng. Hai năm trước đó, ” Giai điệu tự hào” (GDTH) do đơn vị khác sản xuất. Nếu tôi nói với anh rằng, tôi sang VTV 6 lý do đầu tiên là bởi tôi ước ao được làm một chương trình âm nhạc đẳng cấp mà mình mơ ước từ lâu, anh có tin không? Cho dù khi đó, tôi đã xác định là mình sang để làm biên tập của chương trình, không phải là người dẫn. Vì lúc ấy,nhà báo Diễm Quỳnh- MC tôi ngưỡng mộ nhất, đang dẫn GDTH. Tôi chỉ nghĩ, mình có cơ hội được làm GDTH, chứ chưa từng nghĩ, mình sẽ được dẫn một chương trình như thế.
Cộng thêm với việc tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và con cái. Công việc của một phóng viên thời sự với những bản tin và chương trình hàng ngày chiếm mất quá nhiều thời gian của tôi. Tôi muốn có một nơi làm việc bay bổng hơn, không gian nghệ thuật rõ ràng hơn, mà lại có thể bớt đòi hỏi sự” hy sinh” của gia đình cho công việc của mình đi.
Thế là tôi quyết định thay đổi, cho phép mình vượt ra khỏi vùng an toàn,thử sang một môi trường mới, để xem mình đã” già” với những thử thách mới chưa.
Tôi tạm biệt Cuộc sống thường ngày, sang VTV6 với một quyết định chỉ vỏn vẹn trong một thán như thế.
– Đâu là sự khác biệt giữa Hoàng Trang của ban thời sự và Hoàng Trang của Ban thanh thiếu niên?
Tôi nghĩ sẽ công tâm hơn nếu khán giả trả lời câu này. Nhưng ở góc độ cá nhân, cho tôi trả lời ngắn gọn: Khác biệt lớn nhất chính là: Bây giờ, tôi là Hoàng Trang của “Giai điệu tự hào”, của “Chuyến đi màu xanh”, không còn là Hoàng Trang của “Cuộc sống thường ngày” nữa.
Bởi vì thật ra, tôi vẫn là tôi thôi, chẳng có gì thay đổi cả. Thần thái vẫn thế, gương mặt cũng vậy, cam đoan không thẩm mỹ gì cả. Chỉ duy có mái tóc, rời thời sự, tôi cắt đi mái tóc dài bồng bềnh quen thuộc để mình trông khác đi, để khán giả sẽ đón nhận tôi mới mẻ ngay từ hình ảnh.
Tôi không thay đổi, Chỉ có chương trình tôi làm là thay đổi và tôi phải thích ứng với yêu cầu riêng của mỗi chương trình mà mình tham gia. Đó là sự chuyên nghiệp, vì người dẫn là đại diện cho hình ảnh và phong cách của chương trình.
Tôi nghĩ, Hoàng Trang của Thời sự là một biên tập viên chững chạc,đáng tin cậy và khá” an toàn”. Tôi có nghe được những lời nhận xét của khán giả về mình, đại loại như: cô này không xinh nhưng gương mặt ấn tượng, rồi: cô này cá tính, nhưng nói nhanh quá! Nhiều khán giả khi tôi đã rời CSTN đến 2 năm rồi, vẫn cứ nói với tôi là em thích Hoàng Trang của CSTN hơn. Cảm thấy tôi không hợp với những chương trình của Ban thanh thiếu niên. ….
Tôi cho rằng đó là những lời khen, đồng nghĩa với việc tôi đã hoàn thành tốt phận sự của mình khi làm ở Thời sự.
Còn Hoàng Trang ở ban Thanh thiếu niên là một Hoàng Trang mềm mại hơn, thoải mái hơn, trẻ trung hơn, một Hoàng Trang nghệ sĩ hơn. Thực sự là thế. Tất nhiên khi sang VTV6, tôi vẫn làm các chương trình trực tiếp vốn là thế mạnh được tôi rèn ở Thời sự. Bên cạnh đó, tôi có cơ hội được làm nhiều chương trình nghệ thuật- đặc biệt là những chương trình chính luận nghệ thuật đúng nghĩa, vì VTV6 hiện tại là đơn vị làm nhiều nhất những chương trình chính luận mềm mại- tạm gọi như vậy. Đó là loại hình chương trình mà tôi nghĩ phù hợp nhất với mình.
– Vì sao các khán giả khó tính, kỹ tính lại chấp nhận, yêu quý cô MC duyên dáng trong ” Giai điệu tự hào “?
Câu này lẽ ra nhà báo lại phải hỏi khán giả chứ. Xin được dài dòng một chút trước khi khẳng định với anh rằng, dù dã làm nghề 15 năm, thì GĐTH vẫn vừa là mơ ước,vừa là thử thách với một người dẫn như tôi. Tôi yêu GDTH vô cùng, không chỉ vì đó là một trong những thương hiệu hàng đầu của VTV đâu.
Tôi có một năm làm biên tập chính của GDTH trước khi trở thành MC của chương trình cùng anh Anh Tuấn. Trong suốt thời gian đầu ở VTV6, tôi chỉ làm GDTH và Bữa trưa vui vẻ. Nhưng công việc chính vẫn là GDTH. Tôi làm kịch bản, là một trong năm biên tập viên chính lo phần nội dung của GDTH. Từ việc lên ý tưởng,thảo luận chủ đề, tìm kiếm thông tin, làm việc với cố vấn để lựa chọn ca khúc, đến tìm nhân vật,quay phóng sự, làm kịch bản dẫn, trợ lý MC…, tất tần tật những thứ liên quan đến nội dung chương trình. Lúc ghi hình, tôi kiêm luôn cả phần công tác khán giả, làm không khí trường quay…
Khi nhà báo Diễm Quỳnh nghỉ sinh em bé, chị ấy đề xuất tôi là người thay thế chị dẫn dắt GDTH chỉ với lý do duy nhất: em nghĩ xem,ai hiểu chương trình này, format này hơn em?
Tôi đã hỏi chị Tạ Bích Loan( khi ấy là trưởng Ban Thanh thiếu niên), là chị nghĩ em có thể dẫn được không khi cái bóng của chị Quỳnh quá lớn? Chị Loan nói với tôi: Em hãy làm khác Diễm Quỳnh, không được giống. Chỉ thế thôi.
Thêm một lời động viên của nhà báo Phạm Việt Tiến- khi đó là người trực tiếp chỉ đạo sản xuất GDTH , rằng không phải đơn giản để chọn lựa một MC dẫn GDTH, nếu không hiểu chương trình,thực sự sẽ không thể tải nổi. Và lãnh đạo Đài tin rằng tôi làm được.
Thế là tôi cưỡi lên lưng hổ,và bắt đầu hành trình mày mò qua từng số, từng chủ đề, bởi GDTH là chương trình mà mỗi tháng lại là một bài toán khác, không bài nào có mẫu,không bài nào giống bài nào. Cả ekip dù đến giờ đã đi gần hết một năm,cũng vẫn coi mỗi chủ đề là bài toán khó phải cùng tìm lời giải. Kinh nghiệm tích lũy qua từng số là một lợi thế, nhưng mỗi chủ đề vẫn cứ là một thách thức mới khi chúng tôi phải tìm cách tiếp cận khác, trước những di sản âm nhạc đã được khai thác đến tận cùng.
May mắn cho tôi là những đồng nghiệp ở VTV6 là những đồng nghiệp thực sự giỏi nghề, sáng tạo và lăn xả. Thú thực, phải về đây rồi tôi mới thấy mình quá kém cỏi khi xung quanh toàn là những bạn trẻ 9X, nhưng cái gì cũng biết làm,và cực kỳ sáng tạo. Một chương trình khó như GDTH, nhưng biên tập viên chính lại phần đông là 9X. Nhiều người sẽ hỏi là: thế thì các bạn hiểu gì về âm nhạc của 6-70 năm trước? Chính tôi đã từng cực kỳ ngạc nhiên khi nghĩ rằng tuổi ít,vốn sống còn non trẻ thì sẽ khó mà làm được chương trình cần độ sâu như GDTH. Nhưng, các đồng nghiệp ở VTV6 đã khiến tôi không cần hỏi câu đó nữa. Họ yêu nghề bất chấp, đêm hôm mò mẫm, lăn xả với từng nhân vật và trăn trở với mỗi hình ảnh của chương trình. Sự yêu nghề của ekip GDTH khiến tôi có một điểm tựa vững chắc để cứ thế đi qua gần 12 tập GDTH của mùa này.
Trở lại với câu hỏi của anh. Có nhiều người hoài nghi là liệu tôi có cáng đáng được vai này không( bao gồm cả cố vấn khó tính của GDTH- nhà báo Thuỵ Kha). Chính tôi còn hoài nghi cơ mà. Tôi phải làm sao để khán giả không có cảm giác tôi học theo chị Diễm Quỳnh, dù thực tế là tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quan điểm làm việc lẫn phong cách dẫn của chị ấy ( vì từ bé đến giờ,chị Quỳnh và anh Sâm là hai MC tôi thần tượng nhất, cũng chính là những hình ảnh mà tôi mong muốn hướng đến khi trở thành một Mc- một biên tập viên dẫn có chiều sâu, và có thể làm bạn với khán giả)….
Tôi đã trăn trở nhiều đêm, và cuối cùng,tôi lựa chọn cởi bỏ hết mọi áp lực vô hình đó, gạt đi nỗi sợ mình có thể vô thức ảnh hưởng người thầy lớn trong nghề là nhà báo Diễm Quỳnh, để lựa chọn giữ lại thứ duy nhất mà tôi cho rằng mình được phép giống chị Quỳnh, đó là sự chân thành khi dẫn. Tức là, tôi sẽ không cố gắng gồng mình lên để có một chiều sâu hay tầm hiểu biết” ngang ngửa” với những thành viên gạo cội của hội đồng bình luận, hay trở thành một chuyên gia âm nhạc để bình luận hoặc giới thiệu ca khúc. Mà tôi sẽ dẫn GDTH bằng tất cả tình cảm và sự chân thành muốn tìm hiểu thật nhiều những câu chuyện ở trong và xung quanh bài hát đó. Nói một cách khác, tôi không dẫn mà trò chuyện với nhạc sĩ, trò chuyện với lịch sử, với những ký ức, trò chuyện với tất cả những yếu tố xung quanh một bài hát, và kết nối những yếu tố ấy đến khán giả. Tất nhiên, để có thể trò chuyện với mỗi một tác giả,tác phẩm, và cả một hội đồng bình luận đều là những chuyên gia, những nhân vật tầm cỡ và có vốn kiến thức đồ sộ, thì tôi bắt buộc phải học hỏi và trang bị cho mình những kiến thức nền đủ dùng về điều mà mình đang nói đến.
Phải chăng vì thế mà tôi dần chiếm được cảm tình của những khán giả hiểu biết và rất kỹ tính của GDTH chăng?
– Hoàng Trang hãy chia sẻ công việc của mình trong từng chương trình của “giai điệu tự hào”?
Ở mùa GDTH 2017,2018, tôi được rút bớt phần việc biên tập để tập trung làm việc với cố vấn và kịch bản dẫn . Năm nay tôi chỉ làm biên tập viên chính một vài số, tức là tham gia kịch bản và ý tưởng khoảng 4-5 chương trình, còn lại là đảm nhiệm vai trò người dẫn. Nhưng Mc của GDTH cũng hơi khác những chương trình khác,ở chỗ, Mc cũng phải nắm từ đầu về nội dung,gặp nhân vật, đi dẫn hiện trường,quay tiền kỳ, tóm lại là theo suốt hành trình. Để có được 2 giờ lên sóng, trung bình mỗi sốcả ekip phải làm việc tới hai tháng trời. Tôi cùng với các bạn biên tập viên làm kịch bản đi rất nhiều để có được những “đúp” quay ngoại cảnh, khai thác những câu chuyện thân phận và nhân vật liên quan tới bài hát. Năm nay, chúng tôi đã có một mùa đáng nhớ khi đi đến rất nhiều địa đanh đặc biệt cùng GDTH.
Sau khi lên được kịch bản khung, chúng tôi sẽ bàn bạc để tìm kiếm nhân vật. Chúng tôi thường dùng từ “đào bới” khi nói về việc đi tìm nhân vật và câu chuyện liên quan tới mỗi bài hát, bởi cái khó nhất,ngoài việc làm mới âm nhạc,chính là tìm được những câu chuyện đắt giá để nhắc khán giả nhớ về bài hát ấy. Có những bài hát, quả thực,chúng tôi rơi vào tình trạng không biết bắt đầu từ đâu vì không còn đầu mối nào cả khi tác phẩm đã ra đời quá lâu, những thông tin còn lại chủ yếu là những dị bản khó kiểm chứng. Quá trình thu thập thông tin,móc nối từng mắt xích để mỗi tập GDTH trở thành một tổng thể hoàn chỉnh nổi bật chủ đề là khó khăn nhất với nhóm biên tập chương trình.
Thường thì quay ngoại cảnh xong, ekip sẽ ghi hình ở S14- trường quay lớn nhất của Đài THVN. Tôi sẽ làm kịch bản dẫn. Mỗi chương trình GDTH thường được quay trong khoảng từ 9-12 giờ đồng hồ ở studio. Khán giả xem chương trình cũng vất vả tương đương ekip khi kiên trì ngồi mười mấy tiếng ăn ngủ trong trường quay S14 cùng GDTH.
– Những người thân trong gia đình đã hỗ trợ MC Hoàng Trang như thế nào trong công việc?
Gia đình luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi để tôi có thể hoàn thành công việc và theo đuổi đam mê TH. Tôi có người chồng hiểu vợ, bố mẹ , em gái tâm lý và là nghệ sĩ nên chia sẻ được với tôi rất nhiều điều. Khi làm chương trình về âm nhạc bốmẹ tôi lại càng hỗ trợ nhiều hơn khi cố vấn cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Có những lúc ,ekip cứ gọi đùa là tôi lại phải cầu cứu” thuyết khách” mẹ ( mẹ tôi- NSUT Hà Vy) để mời khách, hoặc tìm tư liệu cho chương trình….
Làm truyền hình vất vả.Thời gian không còn là của riêng mình nữa,nên những ngày tôi ở lỳ trường quay ghi hình từ sáng đến đêm,hoặc đi công tác triền miên, cả nhà phải loay hoay xoay sở để ưu tiên cho tôi đi làm nghề. Có một chuyện rất buồn cười là các cô ở trường mẫu giáo của con trai tôi bảo: gia đình khác phải nộp 1-2 ảnh những người thường xuyên đi đón con. Nhà chị có khi phải nộp gấp 3 lần vì con bố mẹ thi thoảng mới đón, chủ yếu là ông bà ngoại và dì, thi thoảng thậm chí cả ông bà trẻ hoặc bác giúp việc.
Tôi cũng tự cảm thấy mình may mắn khi ngay cả lúc lấy chồng rồi mà gia đình chồng , thậm chí cả đại gia đình hai bên cũng đều tạo điều kiện tối đa cho tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ những dịp lễ tết, ngày nghỉ,người người đi chơi, mình đi làm. Con nhờ ông bà trông…Bù lại tôi chưa bao giờ phải đắn đo trước câu hỏi: Nếu phải chọn gia đình hay công việc? Tôi sẽ không do dự mà chọn vế đầu tiên. Bởi vì tôi nghĩ gia đình phải hạnh phúc ổn thoả thì mới thăng hoa trong công việc và nghĩ đến sự cống hiến được. Ngược lại gia đình cho tôi hoàn toàn tự quyết việc cân đối giữa việc công và việc tư vì cả nhà đều hiểu là: tôi yêu nghề thế nào và tôi sẽ hụt hẫng lắm nếu không được làm nghề nữa! Tóm lại, ông xã và các con tôi sẵn sàng theo tôi đi quay rồi kết hợp xem đó như cuộc đi chơi cuối tuần. Ba bố con chơi với nhau, mẹ làm việc, rồi cuối ngày cả nhà đi ăn phở. Đại loại thế. Đó cũng là hạnh phúc!
– Công việc mà Hoàng Trang có thể làm suốt ngày mà không chán?
Cắm hoa, hát nghêu ngao.
Tôi cũng thích nấu ăn. Mọi thời gian rảnh tôi thích đi chợ và lọ mọ nấu nướng cho gia đình thưởng thức. Tôi cũng là một con nghiện đọc sách, có thể thức thâu đêm để đọc hết vài trăm trang sách dù biết thức khuya là thói quen xấu!
– Chương trình ” Giai điệu tự hào nào” đã làm thay đổi một Hoàng Trang đầy cá tính?
Ý anh là dẫn GDTH tôi không còn cá tính nữa? Hay anh định nói rằng tôi trở nên dịu dàng hơn khi mặc áo dài và trò chuyện trong một không gian nghệ thuật đẹp đẽ như GDTH?
Nếu là ý thứ hai, thì tôi phải cảm ơn nghệ nhân- Nhà thiết kếLan Hương vì những chiếc áo dài tinh tế, độc đáo mà chị ấy đã thiết kế cho tôi suốt mùa GDTH năm nay. Tôi cảm thấy mình đẹp và nền nã hơn, đúng là một cô gái Việt khi dẫn GDTH. Tôi cảm thấy mình phải bớt đi sự góc cạnh khi khoác lên mình chiếc áo dài và ngồi trong không gian GDTH nói về những giá trị xưa nhưng chưa bao giờ cũ.
Còn cá tính? Tôi nghĩ mình vẫn là mình thôi. Phong cách của tôi ở GDTH là sự sắc sảo một cách truyền thống, và sự giản dị chân thành. Ở GDTH những giá trị được khai phá từ lâu có cơ hội sống lại, được tôn vinh trong một không gian vừa cũ vừa mới. Rất nhiều câu chuyện của các bạn trẻ hôm nay, hoàn toàn có thể được bắt gặp trong những ca khúc tiền chiến,cách mạng. Có khác chăng chỉ ở bối cảnh lịch sử mà thôi. Trong không ít những chương trình GDTH những ca sĩ mới, làm mới những bài hát cũ. Nhiều bản làm mới còn gây sock với chính chúng tôi vì nó mới quá! Vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Thường thì trong những tình huống như vậy,tôi tự thấy là mình cũng hơi hưng phấn quá,nên có khi cũng vẫn bị cảm xúc chi phối mà thiếu đi sự dịu dàng,trở thành” cá tính” như ý anh hỏi, có phải không? Tóm lại là, những số GDTH tôi cảm thấy mình” hiền dịu” nhất năm nay là tháng 11 – Thơ tình cuối mùa thu; tháng 12 “Quê hương gọi” và tháng 2- “Đón xuân”.
– Kỹ năng nào mà MC Hoàng Trang còn thấy thiếu trong tác nghiệp?
Ở vai trò là phóng viên tôi cảm thấy thiếu nhất là kỹ năng dựng phóng sự. Tôi rất kém trong việc phải nhớ các câu lệnh và các thao tác có liên quan đến kỹ thuật. Nên khi dựng bài, tôi thường phải có kỹ thuật ngồi cùng. Đó là điều hơi xấu hổ khi nói ra, nhưng là sự thật!
– Nếu được làm lại chương trình giai điệu tự hào ” mồ hôi đá” Hoàng Trang sẽ thay đổi chi tiết gì?
Có rất nhiều điều tôi muốn được làm lại sau mỗi một tập GDTH, chứ không riêng gì chương trình tháng 9- Mồ hôi đá. Vì những câu chuyện nếu được kể trọn vẹn sẽ rất xúc động. Nhưng vì vấn đề thời lượng,chúng tôi phải giản lược, giản lược đến mức khó có thể chấp nhận nếu nhìn ở góc độ người trực tiếp làm,vì tiếc lắm. Nhưng riêng đối với tập Quảng Trị- Mồ hôi đá, nếu đươc làm lại,nhất định tôi sẽ quay lại Thạch Hãn , đứng bên bờ sông vào buổi hoàng hôn để dẫn lại một đúp mà tôi nghĩ sẽ tạo được cảm xúc rất lớn cho khán giả trước khi nghe bài hát chủ đề của chương trình- Mồ hôi đá. Đúp dẫn đó đại ý nói về ý nghĩa và giá trị của con sông đối với lịch sử Quảng Trị, điều này có lẽ nhiều người biết. Nhưng phải đứng ở đó trong buổi chiều tà,nhìn vầng mây đẹp như tranh, rồi nghĩ tới Thạch Hãn của nhiều năm trước, trong chiến tranh, mới thấm hết được nỗi đau và những mất mát của Quảng Trị,ở Quảng Trị.
Thực ra, đó là đúp dẫn chúng tôi đã quay, nhưng vì vấn đề kỹ thuật mà không thể phát sóng. Đó là điều đáng tiếc nhất!
– Câu hỏi mà nhà báo Vũ Quang quên hỏi mà Hoàng Trang muốn được hỏi?
Mong muốn lớn nhất của chị khi chọn làm báo?
Nếu được hỏi câu này, tôi sẽ trả lời rằng: được gắn bó lâu nhất,nhiều nhất với các chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình, để thoả đam mê làm báo nghệ thuật và sống đúng với con người có đủ hai vế: phóng viên – nghệ sĩ, được “là mình” , nhiều nhất trong nghề!
Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội được tâm sự với độc giả thông qua cuộc trò chuyện này!