MC Thùy Dương sinh ngày 29/4/1987 tại TP. Hồ Chí Minh, là gương mặt nhận được nhiều sự mến mộ từ phía khán giả, đặc biệt các bạn trẻ. Nữ MC từng học Đại học Mount Holyoke, Bang Massachusetts, Mỹ về chuyên ngành về Môi trường và tiếng Pháp.
Bén duyên VTV từ năm 2009, trong vai trò BTV tiếng Anh – Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 của Đài truyền hình Việt Nam. Năm 2013, Thùy Dương tốt nghiệp Cao học ngành Truyền hình tại University of Westminster (UK) và cộng tác tại Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) từ tháng 7/2009 đến nay.
PV: Chương trình đầu tiên mà Thùy Dương xuất hiện với tư cách người dẫn chương trình diễn ra như thế nào?
MC Thùy Dương: Tôi nhớ đó là chương trình Mảnh ghép Văn hóa, lần đầu Thùy Dương được đứng vào màn hình xanh để “key” hình và các anh chị đồng nghiệp đã quay “cue” để đọc theo. Sau đó, tôi có cơ hội được dẫn cho Bản tin Tiếng Anh và công việc đó khiến Thùy Dương lo lắng hơn, bởi việc ghi hình trực tiếp, và phải tự điều khiển “cue” đồng thời xuất hiện với một phong thái “thời sự” có lẽ vào thời điểm đó khó khăn cho Thùy Dương hơn là việc dẫn văn hóa trước đó.
Tôi đã nhận được sự dẫn dắt nhiệt tình của các anh chị ở phòng và Ban để dần dần tự tin hơn. Việc dẫn thêm ở ngoài hiện trường trong những phóng sự ngắn cũng giúp Thùy Dương có được thêm kinh nghiệm để thực hiện công việc dẫn một cách chuyên nghiệp hơn.
PV: Công việc thường xuyên mà Thùy Dương làm trong ê kíp sản xuất “Talk Việt Nam”?
MC Thùy Dương: Công việc thường xuyên của tôi trong ê kíp Talk Vietnam là làm việc với tổ chức sản xuất để hiểu rõ về nhân vật, đồng thời dẫn dắt chương trình và trò chuyện cùng khách mời sao để câu chuyện được hấp dẫn nhất. Một số chương trình Talk Vietnam, Thùy Dương được giao nhiệm vụ người dẫn, kiêm người tổ chức sản xuất, viết kịch bản các câu hỏi, thực hiện sản xuất các phóng sự, linh kiện để câu chuyện của nhân vật được thêm sinh động.
PV: Kỹ năng nghề nghiệp mà Thùy Dương muốn bổ sung cho mình trong năm 2018 là gì?
MC Thùy Dương: Trong công việc của mình, Thùy Dương cần phải trau dồi rất nhiều kiến thức và kỹ năng để trở thành một biên tập viên, người dẫn tốt hơn. Tôi đặt mục tiêu năm 2018 cho bản thân học được thêm kỹ năng dựng đồ họa motion graphics – để hỗ trợ thêm trong việc làm các sản phẩm có tính đổi mới và hiện đại hơn, đồng thời cũng là một công cụ Thùy Dương mong sẽ đóng góp một phần vào việc đẩy mạnh những sản phẩm cho Ban Truyền hình Đối ngoại trên nền tảng số.
PV: Thùy Dương nghĩ sao về kỹ năng đặt câu hỏi : “Mỗi câu hỏi chỉ nên có duy nhất một ý”?
MC Thùy Dương: Thùy Dương nghĩ đây là một trong những kỹ năng quan trọng mà có lẽ tôi vẫn chưa thực hiện được triệt để. Trong quá trình trò chuyện với nhân vật, Thùy Dương vẫn còn mắc phải lỗi hỏi nhiều hơn 1 ý trong 1 câu. Và tôi rút ra một kinh nghiệm quý là đa phần thời gian, người trả lời câu hỏi sẽ chỉ bắt vào ý cuối cùng. Những ý khác, nếu muốn đề cập sẽ đa phần vẫn cần nhắc lại. Vì vậy, đây là điều Thùy Dương vẫn luôn phải ghi nhớ và “khắc phục” những lần thực hiện phỏng vấn trong tương lai.
PV: Một người phỏng vấn hay là người như thế nào?
MC Thùy Dương: Thùy Dương nghĩ một người phỏng vấn không chỉ là người đặt ra những câu hỏi hay mà còn là người biết lắng nghe. Lắng nghe không chỉ để tìm được những chi tiết hay để từ đó hỏi tiếp hay đối đáp, mà còn lắng nghe để người mình phỏng vấn thực sự cảm thấy họ thoải mái để chia sẻ với mình, không cảm thấy đang bị phỏng vấn mà chỉ đơn thuần là họ đang trò chuyện với mình. Tôi nghĩ đó là “không khí” mà mình mong muốn có được trong những cuộc phỏng vấn.
PV: Sắc đẹp có vị trí thế nào đối với một người dẫn chương trình truyền hình?
MC Thùy Dương: Với truyền hình là một phương tiện phục vụ thị hiếu của khán giả, Thùy Dương nghĩ rằng việc có những tác phong, cử chỉ, trang phục duyên dáng, đúng mực và chuyên nghiệp là cần thiết thể hiện sự tôn trọng của người dẫn chương trình với khán giả truyền hình. Tuy nhiên, nhan sắc hay vẻ đẹp bề ngoài có lẽ chỉ là ấn tượng ban đầu để lại với khán giả.
Điều Thùy Dương nghĩ sẽ để lại được ấn tượng sâu sắc với khán giả là nội dung chương trình mình thực hiện, cách mình dẫn dắt có khiến người xem cảm thấy hiểu và thưởng thức được chương trình hay không. Từng câu nói, cách người dẫn lắng nghe, tương tác, đồng cảm với câu chuyện của nhân vật. Tôi nghĩ những “nét đẹp” ấy sẽ ở lại với người xem truyền hình lâu hơn.
PV: Chuyến đi nào đã làm thay đổi góc nhìn của Thùy Dương về cuộc sống?
MC Thùy Dương: Thời gian Thùy Dương sống xa Việt Nam chiếm hơn nửa tuổi đời tính đến hôm nay. Thùy Dương không biết gì nhiều ngoài hai thành phố gắn bó với gia đình là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mỗi chuyến đi từ lúc vào nghề cho tới giờ là một cơ hội để tôi hiểu thêm về chính quê hương của mình, được biết tới cuộc sống văn hóa, lịch sử của các vùng miền ở Việt Nam đa dạng và nhiều màu sắc đến nhường nào. Những kỷ niệm sâu sắc nhất Thùy Dương có được là với những nhân vật mà mình có cơ hội gặp và tìm hiểu về câu chuyện của họ.
Từ câu chuyện của những người dân chài phải từng ngày kiếm sống, bà cụ đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn miệt mài làm thủ công loại bánh của quê hương cho đến câu chuyện của những người nước ngoài từ bỏ công việc, cuộc sống ổn định để theo đuổi đam mê ở Việt Nam - tất cả đều đã mở rộng góc nhìn của tôi về cuộc sống, giúp sống chậm hơn, biết ơn hơn vì những gì mình có và có nhiều cảm hứng hơn trong công việc và cuộc sống của bản thân./.