Đồng thời, Long An có vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, kinh tế phát triển ổn định và kết nối thông thương với các khu vực lân cận. Chính vì vậy, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
* Hướng đến công nghiệp hiện đại
Tỉnh Long An đang hướng đến thành lập Khu kinh tế ven biển dự kiến có diện tích khoảng 13.080 ha; trong đó, huyện Cần Giuộc là 5.690 ha và Cần Đước 7.390 ha. Các phân khu chức năng trong Khu kinh tế gồm: khu đô thị vệ tinh 1 và 2; khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục - thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển Quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện các ưu đãi cho nhà đầu tư như: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm từ khi có lợi nhuận trước thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh và đi lại, cư trú, tạm trú cho người lao động và gia đình...
Theo ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, tỉnh có cơ hội kết nối các khu công nghiệp tại miền Nam và phát triển hệ sinh thái công nghiệp của các vùng. Vì vậy, để tạo động lực phát triển kinh tế mới, Long An cần hội đủ 4 nhóm yếu tố chính: chiến lược và vận hành, cơ sở hạ tầng, mô hình quản lý và chính sách khuyến khích, giảm thiểu hạn chế và đề xuất các chương trình khuyến khích phù hợp.
Cùng với đó, việc phối hợp công - tư được Chính phủ và địa phương hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt khu kinh tế Long An có sự tham gia kết hợp chặt chẽ của các bên liên quan.
Tại cuộc tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” vào tháng 4/2021, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh, Long An hoàn toàn có đủ cơ hội, lợi thế cho phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, lấy khoa học công nghệ cao là nền tảng… để hoàn thành mục tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đó là việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa.
Ngoài ra, Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để đề ra các định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao thông minh; trong đó, tập phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh phải xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics….
Về nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng thành công chính quyền điện, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, với quy hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong mục tiêu đề ra để hình thành Khu kinh tế ven biển, Long An sẽ tạo sự đột phá, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư ngành nghề công nghệ cao gắn với phát triển nền kinh tế số, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Long An phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trước tác động của dịch COVID-19, Long An luôn là địa phương đi đầu trong các hoạt động chống dịch, mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh có lộ trình và kiểm soát. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi và sự tin tưởng để doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn tham gia tái sản xuất, phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng kịp thời hạn chế tình trạng đứt gãy lao động trên địa bàn và là địa phương nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được cho biết, trong những năm qua, Long An đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 9,11%/năm.
Riêng năm 2021, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 1,02%, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra (9 - 9,5%) nhưng là mức tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 80,08 triệu đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An những năm qua luôn đứng trong top 10 của cả nước, nhất là gần đây xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trên cả nước về chỉ số PCI.
Theo thống kê, hiện có khoảng 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư sản xuất và hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh; có 1.129 dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký trên 9,42 tỷ USD; trong đó, Singapore là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Riêng năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng tỉnh cũng đã tiếp nhận thêm 49 dự án FDI với vốn đầu tư cấp mới trên 3,36 tỷ USD, tăng hơn 11 lần so với năm 2020 (khoảng 297 triệu USD); trong đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I và II có vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD.
Đặc biệt, tỉnh Long An hiện có 35 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 15.000 ha.
Hiện tỉnh có 22 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư có tổng diện tích 5.067,6 ha, với hơn 500 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê; 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 88,7%, thu hút 657 dự án với diện tích đất đã cho thuê gần 896 ha và diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 47,5 ha.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Long An, cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước, Long An thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chung của Trung ương. Nguyên tắc là trong cùng một thời điểm nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện được hưởng nhiều mức ưu đãi khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi cao nhất.../.