Loại bỏ rác thải nhựa để chống ô nhiễm đại dương

Đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự can thiệp của con người, ước tính vào năm 2050, trọng lượng rác thải nhựa sẽ vượt cá ở đại dương. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì thế, loại bỏ rác thải nhựa trên biển là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Sinh vật biển đang phải chịu những thiệt hại không thể bù đắp được do ô nhiễm đại dương. Hàng triệu tấn chất thải không được quản lý tốt đã đổ ra đại dương mỗi năm. Kết quả là một cuộc khủng hoảng hành tinh với hơn 100 triệu sinh vật biển bị mất đi mỗi năm và hệ sinh thái đại dương bị phân hủy.

Theo một số báo cáo về thực trạng ô nhiễm môi trường biển, một trong những nguồn lớn nhất gây ô nhiễm rác thải nhựa là những chai nhựa uống nước. Thống kê cho thấy, khoảng 480 tỷ chai nhựa được bán trên toàn cầu năm 2016, tương đương với 1 triệu chai mỗi phút. Mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi ni lông được tiêu thụ trên toàn cầu.

Có thể thấy, lượng rác thải nhựa do con người xả thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương. Dự báo đến năm 2030 sẽ có thêm hơn 100 triệu tấn rác thải nhựa có khả năng gây ô nhiễm các hệ sinh thái toàn cầu.

Được biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mới đây Bộ Môi trường Panama vừa công bố một chiến lược chống ô nhiễm tại các đại dương bằng việc loại bỏ rác thải biển.

Theo Bộ trưởng Môi trường Panama Milciades Concepción, nước này đang phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) triển khai dự án nói trên với mục tiêu giảm ít nhất 100.000 tấn chất thải.

rac-1667182782.jpg
Lượng rác thải nhựa do con người xả thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương. (Ảnh: Tạp chí Thông tin và Truyền thông).

Cụ thể, sáng kiến nói trên bao gồm các nghiên cứu về hiện trạng rác thải trên biển và nhiều đề xuất khác nhau liên quan đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý hợp lý chất thải biển ở Panama, quốc gia có 52 lưu vực thủy văn, trong đó 18 lưu vực ở sườn Đại Tây Dương và 34 lưu vực ở Thái Bình Dương.

Dữ liệu của UNEP cũng chỉ ra rằng, các đại dương đã trở thành nơi chứa chất thải khổng lồ. 80% rác thải biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là nhựa gắn với bao bì thực phẩm và đồ uống, lượng nhựa trong đại dương vào khoảng 75-199 triệu tấn.

Các chuyên gia cảnh báo, tất cả những thách thức ô nhiễm này đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ kiến ​​thức quốc gia và khu vực giữa nhiều bên liên quan.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.

Việt Nam hiện có 28/63 tỉnh, thành phố có biển với dân số hơn 51 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 34%. Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng phát sinh chất thải, gây sức ép lên môi trường.

Hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về BVMT biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất.

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển đang trong quá trình xây dựng; đồng thời không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định BVMT biển còn hạn chế.

Là một quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, môi trường đại dương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ đáng báo động về suy thoái môi trường và cạn kiệt nguồn nước.

Các chuyên gia chia sẻ, có một số giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và BVMT biển và hải đảo như sau: Cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Hoàng Hà