Vẫn còn “xa lạ” với người dân
Phân loại rác tại nguồn có thể hiểu là giải pháp nhằm tách rác có giá trị tái chế, rác dễ phân hủy ngay tại nguồn, từ mỗi hộ gia đình. Hoạt động này góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp.
Nhiều lợi ích, nhưng hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt. Các giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế. Để phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện đồng bộ, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 được ban hành.
Theo đó, trong lộ trình thực hiện, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế. Dư luận cho rằng, đây là hành lang pháp lý cần thiết để thời gian tới người dân hình thành thói quen phân loại rác thải.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế ở Hà Nội, hoạt động này vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Cá biệt, tại nhiều địa phương nội thành, ngoài việc chưa triển khai phân loại thì còn tái diễn thực trạng xả rác bừa bãi. Chẳng hạn, tại địa phận quận Hà Đông, trên trục đường quanh khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông, tình trạng xả trộm rác thải trên vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan. Ở những khoảng đất trống, các loại rác thải từ xây dựng đến sinh hoạt được chất đống tràn lan, “chiếm” không gian của người đi bộ.
Được biết, số rác thải này là do những người dân thiếu ý thức lén lút mang ra vứt, đổ trộm và trải qua một thời gian dài không được thu dọn, vận chuyển nên số rác, phế thải cứ tích tụ, đầy lên ngập ngụa. Tình trạng này không chỉ tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khi mùi xú uế bốc lên từ bãi rác lưu cữu luôn nồng nặc trong không khí.
Với ngoại thành, tại Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), đây được biết là một trong những “làng tái chế” của Hà Nội với nhiều cơ sở thu gom đồng nát, tái chế rác nhựa, kim loại lớn nhỏ. Dù nghề góp phần cải thiện thu nhập, đời sống vật chất của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, tại đây không khó để bắt gặp được cảnh chế phẩm dư thừa sau khi sàng lọc, phân loại được người dân xử lý bằng cách chôn lấp, đốt hoặc đổ thẳng ra môi trường. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe.
Theo tìm hiểu từ phía người dân, dù Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có song đến nay vẫn chưa có thông báo về việc phân loại rác tại nhà. Phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội vẫn đang để hỗn hợp các loại rác vào một túi nilon rồi đổ đúng nơi quy định. Ngoài ra, ở các điểm tập kết, các xe thu gom rác vẫn đang triển khai theo phương thức truyền thống, gần như không có sự phân loại. Nghĩa là, hiện phần lớn là rác vẫn được tập kết hỗn hợp và được chuyển đến điểm xử lý.
Phải tuyên truyền và có lộ trình phù hợp
Theo tìm hiểu, trước năm 2020, một số địa phương của Hà Nội đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, kết quả mang lại không được như mong muốn bởi thiếu sự đồng bộ giữa người dân và đơn vị thu gom.
Đánh giá cao ý nghĩa của việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ, nếu việc phân loại rác được triển khai tốt thì thì việc tái chế sẽ thuận lợi. Một bộ phận rác thải hữu ích sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. “Với quy định mới, xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều, điều này thể hiện sự công bằng xã hội. Điều này quan trọng ở chỗ, mọi người sẽ có ý thức hơn, cá nhân mỗi người sẽ có ý thức trong việc hạn chế xả rác. Hơn hết, nếu hoạt động này đi vào khuôn khổ thì sẽ hình thành nên kỷ cương ngay từ cấp cơ sở” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ cơ sở, theo ông Đinh Văn Viễn, Trưởng thôn Nam Dương, xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa), để giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không hề dễ. Nói cách khác, ở nhiều khu vực, đặc biệt là ngoại thành, việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen của đại bộ phận cư dân. Bởi vậy, muốn thay đổi điều này, về lâu dài cần có sự tuyên truyền, vận động.
Để công tác này có thể đi vào cuộc sống, ông Đinh Văn Viễn kiến nghị, nên có các tờ rơi phát về các khu dân cư. Trên cơ sở đó, các khu dân cư sẽ thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Bởi nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu...
Đóng góp ý kiến về vấn đề liên quan, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng, Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm.
Nói cách khác, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý. Bên cạnh đó, phải kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp.
Rõ ràng, nhìn từ Nghị định 45/2022/NĐ-CP có thể thấy, hiện các quy định, chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực xử lý rác thải đã có. Tuy nhiên, để việc phân loại rác mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, cần sự bền vững. Do đó, về cơ bản vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác./.