Vai trò công tác phân loại, thu gom rác tại nguồn trong hoạt động bảo vệ môi trường

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình.

5796547-phan-loai-rac-2ok-1658969010.png
Nghị định 45/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt (Ảnh minh họa).

Phân loại rác tại nguồn là một yêu cầu vô cùng cần thiết, phân loại rác tại nguồn rất hợp lý để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị, cũng như đảm bảo việc coi rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng; giảm tình trạng chôn lấp như hiện nay, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

Cụ thể, theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường quy định rõ tại Điều 25 Nghị định. Trong đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng. Cụ thể:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể cho phân loại rác tại nguồn hiện nay vẫn còn bất cập, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hiện nay việc thu gom những rác thải phân loại tại nguồn khác nhau phải được thực hiện, tránh tình trạng hiện nay người dân phân loại rác tại nguồn nhưng tất cả loại rác lại cùng 1 phương tiện thu gom, cùng chở về các bãi chôn lấp. Rác thải phân loại tại nguồn phải được thu gom có tính chất chuyên biệt, đồng thời phải được đến những cơ sở xử lý rác thải chuyên biệt…

tinh-trang-rac-thai-nhua-o-viet-nam-1-1658969010.jpg
Xác định phân loại, thu gom rác tại nguồn là khâu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa).

Được biết, Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.

Thiên Kim - Trần Như