Nhìn nhận vai trò của thương lái trong liên kết chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL

Trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo thì vai trò của thương lái là hết sức quan trọng và còn kéo dài trong thời gian tới. Họ chính là sự liên kết, là cầu nối giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ hiệu quả.

Trong dây chuyền sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, tạo nên chuỗi liên kết khép kín từ khâu thu hoạch, thu gom nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Xuất phát từ đặc điểm này mà bao đời nay ngành nông nghiệp và thủy sản ở ĐBSCL đều gắn liền với “thương lái, hàng xáo”. Thực tế cho thấy thương lái đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông-lâm-thủy sản.

lien-ket-chuoi-lua-gao-04-1716367143.jpg
Việc phát triển liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia. (Ảnh minh họa)

60% doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái

Tại hội thảo "Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo", khi nhận định vai trò của thương lái, ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Chủ tịch VIETRISA - nêu quan điểm thương lái là lực lượng có đầy đủ thông tin về thời điểm chính xác thu hoạch lúa, lịch mở - đóng cống thủy lợi để thuận lợi vận chuyển lúa...

Lực lượng này có nguồn lực mạnh về ghe, máy gặt đập liên hợp và tài chính. Do đó, qua khảo sát, có khoảng 60% doanh nghiệp (DN) thích mua lúa qua thương lái hơn là hợp tác xã (HTX).

Tuy nhiên, vẫn có một số thương lái dùng nhiều chiêu thức để ép nông dân. Bởi vậy, theo ông Trần Minh Hải, cần có chứng chỉ hành nghề hoặc một giải pháp khác giúp nhận diện thương lái tốt và thương lái chưa tốt. Thương lái tốt chính là lực lượng giúp nhà nước quản lý hiệu quả hơn, mềm dẻo hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo.

lien-ket-chuoi-lua-gao-02-1716367128.jpg
Một trong những mặt mạnh của lực lượng thương lái là họ giúp người sản xuất bán được hàng hóa nhưng khó tiếp cận được với người mua. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, đánh giá cao vai trò của thương lái khi 2,1 triệu tấn lúa ở địa phương được tiêu thụ phần lớn nhờ vào lực lượng này.

"Thương lái đóng vai trò cầu nối không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Khi dịch COVID-19 bùng phát, sự tham gia của thương lái và môi giới đã giúp sản phẩm lúa gạo của nông dân trong tỉnh không bị hư hao, thất thoát, được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi", ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, nếu có sự quan tâm đúng mức đến những thương lái có khả năng kết nối với DN chế biến, xuất khẩu lúa gạo và lực lượng môi giới trung gian đủ uy tín gắn kết cùng nguồn lực của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là động lực thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo phát triển ổn định. Qua đó, giúp đáp ứng tiêu chí của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Thương lái có vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ĐBSCL bao gồm các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm nông dân – hợp tác xã – thương lái – doanh nghiệp – nhà phân phối/ tiêu thụ…

Tổng sản lượng lúa mỗi vụ do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các các kênh tiêu thụ gồm thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%. Trong khi đó, kênh tiêu thụ trực tiếp của HTX gồm doanh nghiệp chiếm gần 61%, nhà máy xay xát hơn 22% và thương lái chiếm hơn 16%.

Có thể thấy, một trong những mặt mạnh của lực lượng thương lái là họ giúp người sản xuất bán được hàng hóa nhưng khó tiếp cận được với người mua (là doanh nghiệp). Ngược lại, họ giúp cho doanh nghiệp muốn mua nguyên liệu để sản xuất nhưng không thể tiếp cận với nông ngư dân do khoảng cách về địa lý, không đủ phương tiện thu gom và không đủ nhân lực thu mua.

Cùng với đó, phương thức mua bán của họ nhanh gọn, đơn giản, trả tiền ngay. Với hộ nghèo nhưng cần mua vật tư, hàng hóa phục vụ đời sống, họ cho vay ngay, kịp thời, có thể trả theo mức thỏa thuận hoặc vay không lãi với điều kiện giá bán nông, thủy sản cho họ thấp hơn… trong khi đó ngân hàng, doanh nghiệp khó đáp ứng được vì còn qua nhiều thủ tục.

lien-ket-chuoi-lua-gao-03-1716367225.jpg
Thương lái có kinh nghiệm trong việc điều chuyển phương tiện phù hợp đường thủy hay đường bộ đến địa điểm thỏa thuận giao nhận lúa. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng: "Trong chuỗi giá trị ngành hàng này thì vai trò của thương lái là hết sức quan trọng và còn kéo dài trong thời gian tới. Họ chính là sự liên kết, là cầu nối giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ hiệu quả".

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), liên quan sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL có nhiều mô hình liên kết thông qua các chủ trương lớn như Quyết định 80/2002 của Thủ tướng về tiêu thụ nông sản qua hợp đồng; Quyết định 62/2013 của Thủ tướng về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết để gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 98/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một vài địa phương ĐBSCL thực hiện Nghị định 98/2018.

"Muốn liên kết chặt chẽ, bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ khâu sản xuất bắt đầu, hay còn gọi là hợp tác từ đầu vụ. Đồng thời, khuyến khích liên kết giữa DN, HTX và nông dân trong các khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường để có giá bán cao, giảm chi phí, hạn chế "bể" giao kèo" - ông Thịnh góp ý.

Cũng theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, rút kinh nghiệm từ mô hình Cánh đồng lớn, thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" cần lưu ý đưa nông dân vào HTX. HTX là đầu mối đại diện cho chuỗi giá trị canh tác, chia sẻ với nông dân trong chuỗi./.

Bình Nguyên