Làng nghề gỗ chủ động tăng tốc sản xuất, đón chờ cơ hội mới

Với nhiều làng nghề gỗ, không khí sản xuất đã rất nhộn nhịp ngay từ đầu năm 2023. Bà con đang rất hào hứng đón đợi nhiều cơ hội kinh doanh mới. Việc tích cực sản xuất ngay từ đầu năm sẽ góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Xưởng xẻ gỗ là nơi đầu tiên trong làng nghề gỗ Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, bắt bay vào sản xuất đầu năm. Từ những tấm gỗ xẻ, người thợ mới bắt tay vào làm giường, tủ, bàn ghế… đi khắp cả nước

Được biết, tại xã Vạn Điểm có tới hơn 700 hộ sản xuất gỗ. Mỗi ngày, hàng trăm thợ từ các nơi về đây làm nghề. Không thể để sản xuất đình trệ trong tháng Giêng, người thợ bắt nhịp ngay để tăng tốc. Những tiếng lách cách quanh năm như nhịp tim của làng nghề, không ngừng, không nghỉ. Những chuyến hàng đầu năm mới lại tất bật lên đường.

lang-nghe-go-2-1676451573.jpg

Ảnh minh họa.

Ghi nhận tại xưởng gỗ của anh Nguyễn Phúc Điệp (cơ sở chế biến gỗ Điệp Dương, Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) tất bật từ đầu năm bởi các nghệ nhân trong làng đã bắt tay ngay vào sản xuất, không chờ hết tháng Giêng như mọi năm.

Cơ sở gỗ của anh Hoàng Kỳ Tài cũng đang khẩn trương để bàn giao bộ bàn ghế cho khách vào tháng 3 tới. Trong 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả làng gỗ sôi động bỗng chốc đóng băng, không có đơn hàng, nghệ nhân mất việc. Bắt tay ngay vào sản xuất từ đầu năm là cách làng nghề tăng tốc đón cơ hội.

"Vốn đầu vào, đã cùng các ngân hàng hợp tác như Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đặc biệt Vạn Điểm có một quỹ tín dụng nhân dân xã để cho nhân dân vay vốn sản xuất", ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%, chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU hầu như "đứng im" do suy thoái.

Năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn. "Chúng tôi dự tính phải hết quý II năm 2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, thông tin.

Thi Nguyên (t/h)