COP 28 - Việt Nam trong tầm nhìn Thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp nêu rõ chủ trương và cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như quyết tâm chuyển đổi xanh của Chính phủ Việt Nam. Với phương châm: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.

Từ ngày 1 đến 2 tháng 12 năm 2023 tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở thành phố Dubai, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp nêu rõ chủ trương và cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như quyết tâm chuyển đổi xanh của Chính phủ Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh phương châm: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.

thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-cop-28-1707436458.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử.

Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công đã được Thế giới thừa nhận. Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường giúp đất nước từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình, hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương, đây là nhận xét gần đây của Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này cho biết, những cải cách kinh tế từ năm 1986 cùng với xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển và trở thành quốc gia thu nhập trung bình trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDPbình quân đầu người đã tăng gấp 3,6 lần, đạt 3.700 USD và tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày)đã giảm từ trên 14% năm 2010 xuống còn 3,8% vào năm 2020.

Nhờ nền tảng vững chắc, kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những năm khủng hoảng. Do nhu cầu trong nước và xuất khẩu chững lại,tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo giảm còn 6,3%; nhưng được dự báo sẽ phục hồi trở lại với mức tăng 6,5% trong năm 2024. Với tỉ lệ tăng trưởng từ 2,5% đến 3,5% mỗi năm trong suốt 30 năm, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đã đóng góp tới 14% cho GDP và 38% vào tạo việc làm. Vào thời điểm đại dịch tăng cao, ngành Nông nghiệp đã xuất khẩu tới trên 48 tỷ USD/năm.

Việt Nam đã có tầm nhìn phát triển hướng tới trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ thu nhập bình quân đầu người tăng 5,9%/năm trong 25 năm tới. Đồng thời cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xanh, bao trùm đồng thời với cam kết giảm phát thải khí mê tan xuống dưới 30% nhằm đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Bài viết đề cập tới nội dung giữa dung hòa giữa Phát triển Kinh tế với Rủi ro Khí hậu trong Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển được công bố gần đây:

Sự dung hòa giữa Phát triển Kinh tế với Rủi ro Khí hậu

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Việt Nam xây dựng là một đánh giá tích hợp các mối quan tâm về biến đổi khí hậu và phát triển. Báo cáo này giúp đưa ra những giải pháp ưu tiên, có tác động lớn về giảm phát thải khí nhà kính (KNK), nâng cao khả năng thích ứng đồng thời với thực hiện các mục tiêu phát triển tốt hơn. Báo cáo được xây dựng trên dữ liệu được nghiên cứu chặt chẽ, xác định rõ lộ trình giảm phát thải KNK và tính dễ bị tổn thương do khí hậu, bao gồm cả chi phí và thách thức cũng như lợi ích và cơ hội của lộ trình này. Báo cáo đề xuất những hành động ưu tiên để hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang carbon thấp và thích ứng.

Là tài liệu được công bố công khai, báo cáo cung cấp thông tin cho Chính phủ, người dân, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ cho các chương trình nghị sự về phát triển và khí hậu; cung cấp thông tin, đánh giá hoạt động hỗ trợ và cho vay quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới, giúp thu hút vốn và tài trợ trực tiếp cho các giải pháp khí hậu tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

phat-trien-xanh-1-1707436523.jpg
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch. (Ảnh minh họa)

Việt Nam ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới phát triển và phải trả lời những vấn đề quan trọng về giải pháp ứng phó. CCDR đề xuất giải pháp để nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời đạt được mục tiêu phát triển để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư 368 tỷ USD (khoảng 6,8% GDP) để xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu và hướng tới phát thải ròng bằng 0. Theo tính toán ban đầu, nhu cầu tài chính này thấp hơn nhiều lần so với những thiệt hại do tác động BĐKH và tăng lượng phát thải KNK gây ra. Báo cáo CCDR đã đề xuất chuyển mô hình phát triển theo cách kết hợp 2 lộ trình quan trọng là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon để cân bằng các mục tiêu phát triển kinh tế với rủi ro khí hậu ngày một gia tăng.

Sau 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, quá trình chuyển đổi kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên, bao gồm trữ lượng lớn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản đã từng giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. Tuy nhiên, với hơn 3.200km bờ biển và nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông biển, Việt Nam lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước BĐKH. Tác động của nhiệt độ, nước biển dâng và những biến động lớn đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và gây suy yếu đà tăng trưởng. Những tính toán ban đầu cho thấy, Việt Nam bị thiệt hại trên 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH; nếu không có biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, đến 2050 sẽ mất khoảng 12% đến 14,5% GDP và hơn một triệu người có thể lâm vào tình trạng nghèo cùng cực .

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và hoàn thành cam kết về phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050, CCRD đã đưa ra những giải pháp và phương án thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo “quá trình chuyển dịch công bằng” để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với BĐKH.

Lộ trình thích ứng phát thải ròng bằng O - biện pháp cần làm

Để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng và phát thải ròng bằng “0”, từ nay đến năm 2040, mỗi năm cần đầu tư 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP). Nếu có chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng được hoạt động khử carbon để đạt mục tiêu phát triển phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Cam kết của Chính phủ được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và của tư nhân. Lộ trình xây dựng khả năng thích ứng được thể hiện trong mô hình dưới đây (xem hình 1).

Lộ trình cho thấy, bảo vệ cơ sở hạ tầng, xây dựng vốn con người và khử carbon là những vấn đề nổi bật

1.Bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng và con người

Các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương; đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại.công nghiệp, các vùng ven biển và ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, việc cải cách chính sách bổ trợ lĩnh vực tài khóa và tài chính có thể kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư.

Tổng nhu cầu tài chính ước tính từ năm 2022 đến năm 2040 khoảng 254 tỷ USD, bao gồm 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân, cơ sở hạ tầng công cộng, và 35 tỷ USD cho các chương trình xã hộị.

Hinh 1 Sơ đồ khả năng thích ứng đến năm 2045

2.Về lộ trình khử carbon, đưa lượng phát thải KNK ròng bằng “0” vào năm 2050

Thực hiện lộ trình này, cần đầu tư lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Các khoản đầu tư ngành cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá carbon. Công cụ này sẽ thay đổi hành vi và giúp huy động được nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi .

Trong lộ trình khử carbon, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 114 tỷ USD, chủ yếu là hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD). Việc tăng thuế carbon lên 29 USD trên mỗi tấn carbon dioxide tương đương (tCO2e) vào năm 2030 và 90 USD trên mỗi tCO2e vào năm 2040, sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung 80 tỷ USD. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ khác giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP

3. Tài trợ cho chuyển đổi và huy động tài chính trong nước và hỗ trợ từ bên ngoài

Để đáp ứng nhu cầu vốn, cần phân bổ lại nguồn tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Đầu tư công có thể chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư và;có thể tài trợ thêm thông qua thuế carbon hoặc vay từ thị trường trong nước. Nguồn vốn tư nhân tương đương 3,4% GDP mỗi năm có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro khác.

cam-ket-cua-viet-nam-ve-bien-doi-khi-hau-1-1707436623.jpg
Tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh là một trong những nỗ lực của Việt Nam để triển khai các cam kết biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

4. Về những ưu tiên cần được quan tâm

Các gói chính sách ưu dưới đây cần được Chính phủ quan tâm có đầu tư (cả công và tư) khẩn trương và kịp thời để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu BBĐKH, đó là:

+ Chương trình cấp vùng dưới sự điều phối chung cho Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đầu tư gia tăng khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và cơ sở hạ tầng kết nối lớn.

+ Chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có mục tiêu nhằm đạt được mục tiêu giữa kỳ của WHO vào năm 2030 và nâng cao năng suất lao động.

+ Tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng sạch.

+ Một khế ước xã hội bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương cũng là điều cần thiết.

Lời kết:

Trong thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 2022, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với BĐKH, đồng thời với triển khai nhiều chính sách và đầu tư nhằm giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.

100 triệu dân Việt Nam thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH do phải đối mặt với nhiều rủi ro dọc theo bờ biển dài trên 3.260 km, trên các vùng trũng thấp rộng lớn và nguy cơ của những rủi ro. Đối với các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là trong và xung quanh các trung tâm kinh tế lớn.

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu với hơn 70% diện tích đất của nhiều tỉnh thành phố có thể bị ngập trong vòng 80 năm tới. Các mô hình tính toán cho thấy, tổng chi phí kinh tế do BĐKH gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Báo cáo cho rằng, cần ưu tiên đầu tư để giải quyết các tác động của BĐKH. Khi nền kinh tế phát triển dần đến vị thế là nước có thu nhập cao cần phải giảm nhanh cường độ carbon. Đến nay, đóng góp của Việt Nam trong tổng lượng phát thải KNK toàn cầu còn tương đối nhỏ. Theo bình quân đầu người, lượng phát thải chưa bằng 1/2 so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã gia tăng lượng phát thải KNK bình quân lên gấp 4 lần trong thời gian gần đây(từ 0,79 tấn carbon dioxide (CO2) tương đương vào năm 2000 lên 3,81 tấn vào năm 2018) và gia tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Ô nhiễm khí thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm giảm năng suất và cạn kiệt tài nguyên; tác động của BĐKH còn gây tổn hại đến thương mại và đầu tư. Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á -Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới Manuela V. Ferro từng chỉ ra “Việt Nam là quốc gia đóng góp ngày càng nhiều vào phát thải KNK. Việc thực hiện các cam kết quốc tế đầy tham vọng đòi hỏi Việt Nam phải có hành động trong những lĩnh vực phát thải chính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, và sử dụng định giá carbon để thúc đẩy đầu tư”./.

Lê Thành Ý