Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hoá”. Và đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam” được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trên phạm vi toàn cầu, lĩnh vực kinh tế và môi trường ngày càng có sự giao thoa sâu sắc; biến đổi khí hậu cùng những vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe con người đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển mới nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon và phát triển bền vững.
Cụ thể, có thể nhìn rõ từ các đạo luật của EU cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nạn phá rừng với phạm vi ảnh hưởng tới 6 - 12 ngành hàng nông sản (ban hành tháng 11/2021); các quy định về đánh bắt hợp pháp trong thuỷ sản, khuyến khích xúc tiến các mặt hàng xanh, giảm phát thải hay gần đây nhất là các quy định báo cáo bền vững cho các doanh nghiệp châu Âu mới được ban hành ngày 10/11/2022 để đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm cho các bên liên quan trên toàn chuỗi cung ứng vào thị trường châu Âu.
Tần suất ban hành các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ngày càng dày đặc, đúng tinh thần của Thỏa thuận xanh. “Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường châu Âu bởi được khẳng định chính là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030. Việc chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới vào năm 2030.
Kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu thông qua các giải pháp phát triển công nghệ xanh để nâng cao năng suất và hiệu quả, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, mở ra các thị trường mới, tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế xanh, giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh.
Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, thương mại xanh chắc chắn không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến Bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận Bảo vệ Động vật). Những chương trình chứng nhận trên với việc yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm... Sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. Vì thế, các nhà sản xuất và điều hành thương mại của Việt Nam nên quan tâm đến định hướng lựa chọn của người tiêu dùng EU.
Tất cả các ngành kinh tế đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại bền vững. Những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng điện lực có thể giúp giảm chi phí của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhờ đó giúp các doanh nghiệp này trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các nước xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới yếu tố xanh của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường.
Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Mới đây nhất là quyết định 493/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Kinh tế xanh tạo động lực cho phát triển xuất khẩu
Ở Việt Nam nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng, nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến phát biểu tại diễn đàn cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh và xuất khẩu xanh, nhất là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phương thức sản xuất vốn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là một thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ cao. Chi phí cho tiêu dùng xanh ban đầu cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung của xã hội; tuy nhiên, về lâu dài và tổng thể sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích to lớn hơn cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành ngoại thương phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh hóa, bắt kịp với xu thế của quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, với trách nhiệm là Cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến nghị của các Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát, theo dõi các quy định, chính sách mới ban hành của nước sở tại, nhất là các quy định mới về tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như cập nhật thông tin thị trường, kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị, hướng dẫn giúp các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.