Những sự kiện kinh tế xanh nổi bật năm 2022

Năm 2022, thế giới tiếp tục phải đối mặt với bất ổn và nhiều thách thức về biến đổi khí hậu. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều. Tuy nhiên, các quốc gia đã có nhiều nỗ lực đưa thế giới “đi đúng hướng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0”. Sau đây là một số sự kiện, vấn đề về kinh tế xanh tiêu biểu trong năm 2022.

Khai mạc Hội nghị COP27: "Cùng nhau hành động"

Ngày 06/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Ai Cập. Tham dự hội nghị có hơn 120 Nguyên thủ và 40.000 đại biểu.

Ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Theo báo cáo IPCC đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.

cop-1674431560.jpg
Khai mạc Hội nghị COP27.

Hiện nay, mới chỉ có 29/194 quốc gia đã cập nhật cam kết quốc gia với các cam kết mạnh mẽ hơn từ sau COP26. Tổng thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) kêu gọi 165 quốc gia còn lại sẽ rà soát và đưa ra các cam kết tham vọng hơn.

COP27 với mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, có thể giảm lượng khí ô nhiễm đáng kể để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29

Các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã tập trung tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 18/11 Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.

Phát biểu mở đầu Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayuth Chan-o-cha kêu gọi các đại biểu hướng đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững sau những thách thức kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và cạnh tranh địa chính trị.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí cần có cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, cân bằng hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội và các nền kinh tế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn và xanh (BCG).

Năm 2022, doanh số xe điện cao kỷ lục

Trong một thông báo đi kèm với bản cập nhật Theo dõi Tiến độ Năng lượng Sạch (TCEP), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, đã có “những dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ trên một số lĩnh vực”, nhưng cảnh báo rằng cần phải có những “nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa” để đưa thế giới “đi đúng hướng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0” vào giữa thế kỷ này.

Đối với xe điện, IEA cho biết doanh số bán hàng toàn cầu đã tăng gấp hai lần trong năm 2021, chiếm gần 9% thị trường ô tô. Năm 2022 được “kỳ vọng sẽ chứng kiến mức doanh số bán xe điện cao kỷ lục, tỷ lệ xe điện trên thị trường toàn cầu lên 13%.

Trước đó, IEA đã công bố doanh số bán xe điện đạt 6,6 triệu chiếc trong năm 2021. Trong quý đầu tiên của năm 2022, doanh số bán xe điện đạt 2 triệu chiếc, tăng 75% so với ba tháng đầu năm 2021.

Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik thăm Việt Nam

Thái tử kế vị Đan Mạch Frederick và phu nhân là Công nương Mary đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp về năng lượng xanh thăm Việt Nam. Chuyến thăm được tổ chức nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

thai-tu-1674431665.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Thái tử kế vị Đan Mạch Frederick.

Một số hoạt động có thể kể đến là: Diễn đàn phát triển năng lượng bền vững giữa hai nước; chương trình thúc đẩy phát triển điện gió tại TP Hải Phòng; chương trình về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả tại Hà Nam; chuyến thăm các công ty Đan Mạch tại Việt Nam ở TP. HCM và Bình Dương...

Trong phái đoàn tháp tùng chuyến thăm của Thái tử Đan Mạch lần này có 36 doanh nghiệp lớn của Đan Mạch, trong đó có những doanh nghiệp nổi tiếng như Maersk Line, Lego, Pandora; các doanh nghiệp hàng đầu về điện gió, tiết kiệm năng lượng, vận chuyển tàu biển...

VinFast xuất khẩu lô xe điện đầu tiên ra thế giới

Sáng 25/11, tại Hải Phòng, VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế. Sự kiện đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thế giới .

Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California (Mỹ) và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.

thuyen-a-1674431753.jpg
VinFast xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên ra thị trường thế giới.

Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.

Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ năm 2022

Hiện nay, khu vực ASEAN đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, trong đó Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hồi phục và phát triển nhanh nhất. Dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã đạt mức trước đại dịch, 175 tỷ USD. Chính vì vậy việc tận dụng lợi thế thương mại và liên kết giữa các nước trong khu vực này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.

asean-1674431841.jpg
Khu vựa ASEAN đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ.

Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ năm 2022 với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững” do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức vào ngày 09/9/2022 tại TP.HCM đã thu hút hơn 400 doanh nghiệp cùng đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia khu vực ASEAN như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và các đối tác quan trọng của TP.HCM như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand... tham dự. Tất cả đều cam kết cùng nhau bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cùng nhau kết nối, hợp tác, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh,...

Vinamilk tái khởi động hoạt động trồng cây

Từ năm 2012 - 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Chương trình này là một điển hình cho những nỗ lực và hành động vì môi trường, vì cuộc sống và vì tương lai. Tiếp nối hành trình xanh này, năm 2022, Vinamilk tái khởi động hoạt động trồng cây cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu chính là hướng đến trung hòa phát thải khí nhà kính, đóng góp cho mục tiêu chung “Net Zero”.

Biên bản ghi nhớ của Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero có tổng giá trị là 15 tỷ đồng, được các bên trao đổi dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Được biết, đây cũng là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 của Vinamilk, nhằm chung tay thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP 26), cũng như hưởng ứng thông điệp “Cam kết đi đôi với Hành động” được Việt Nam nhấn mạnh tại COP27 diễn ra tại Ai Cập.

Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) đã phối hợp với Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối) đồng tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022.

Sự kiện này nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - EU thông qua các phiên đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.

Triển lãm Kinh tế Xanh với quy mô 200 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ châu Âu, quốc tế và Việt Nam thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước, rác thải, môi trường...

PV