Trong ngày đầu tiên của chương trình diễn ra trong 3 ngày từ 28 đến 30/11/2022, khách tham dự đã lắng nghe những chia sẻ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ từ Châu Âu và Việt Nam trong phiên toàn thể cấp cao, với sự tham dự và phát biểu của: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Cao ủy, Ủy ban Châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevicius; Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Hà Lan Liesje Shreinemacher; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti; Chủ tịch EuroCham Việt Nam Alain Cany và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk.
Phát biểu tại Hội nghị toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: “Do Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất trước biến đổi khí hậu nên cam kết tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát triển xanh là rất quan trọng, cần đề cao việc phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và các chính sách phải hướng tới việc cải thiện cuộc sống của mọi người dân”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn Liên minh Châu Âu và các tổ chức tài chính của Liên minh này hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và đào tạo nguồn nhân lực.
Cao ủy, Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Sinkevičius đã nêu bật hợp tác song phương giữa EU và Việt Nam cũng như các sáng kiến về khả năng phục hồi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn và đa dạng sinh học đang diễn ra của Liên minh Châu Âu.
“Liên minh Châu Âu và Việt Nam hợp tác rất chặt chẽ trong một số chủ đề, nhưng chúng ta cần hành động toàn cầu ở tất cả các cấp và trong thập kỷ này vì một thế giới trung hòa với khí hậu, tích cực với thiên nhiên và có khả năng phục hồi”, Cao ủy Sinkevicius, cho biết.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch EuroCham Alain Cany đã nói về mục đích và tầm nhìn cốt lõi của GEFE 2022: “Tôi biết rằng Việt Nam chỉ có thể đạt được một quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ thông qua quá trình chuyển đổi toàn xã hội để định hình lại cách sống của mọi người và cách tiếp cận phát triển kinh tế. Để đạt được điều này, chính phủ Châu Âu và Việt Nam, khu vực tư nhân và khu vực công phải hợp tác với nhau. Nếu không làm triệt để và ngay lập tức điều này, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. GEFE 2022 có thể và sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này thông qua sức mạnh của quan hệ đối tác song phương giữa Việt Nam và Châu Âu”.
Ngoài ra, một phiên thảo luận với chủ đề “Nền kinh tế xanh: Cơ hội phát triển lớn nhất của Việt Nam” đã được tổ chức, với sự tham gia và chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước quốc tế tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bền vững, vận tải và tài chính.
Trong khuôn khổ của sự kiện, triển lãm kinh tế xanh với hơn 150 nhà triển lãm tầm cỡ thế giới đã giới thiệu các giải pháp và cải tiến xanh mới nhất. Trong số các đơn vị triển lãm có các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức khác từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực. Hơn 30 phiên hội nghị và thảo luận nhóm, với hơn 150 diễn giả là chuyên gia từ hơn 20 lĩnh vực xanh khác nhau. Trong số các chủ đề được thảo luận sẽ có nền kinh tế tuần hoàn, du lịch xanh, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh, nông nghiệp bền vững, xử lý nước được tổ chức xuyên suốt trong từ ngày 28 đến 30/11/2022.
Được biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam kể từ năm 1998, bao gồm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các công ty đa quốc gia và có mạng lưới đối tác rộng lớn tại cả Việt Nam và Châu Âu. Tổ chức này đóng vai trò là cầu nối cho các công ty Châu Âu quan tâm đến thị trường Việt Nam và các công ty Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng thị trường Châu Âu, giúp cả hai cùng khai thác tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Với hơn 1.200 thành viên, EuroCham trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện có sở hữu 150.000 người lao động trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, EuroCham cũng là tổ chức đối tác của 9 hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc, bao gồm Hiệp hội Doanh nhiệp Bỉ-Luxembourg, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha - Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Phòng Thương mại Ý, Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam.