Chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh xu thế tất yếu

Tăng trưởng xanh không phải là việc làm ngày một ngày hai nhưng phải làm ngay và nỗ lực hết sức để trở thành nước đi đầu về tăng trưởng xanh để 5 năm, 10 năm và 20 năm tới Việt Nam có được sự phát triển bền vững.
697f040f-662c-4290-9f5c-bc3ef6877dc1-1667894461.jpg

Xanh hóa nền kinh tế, các yếu tố xã hội đã được nhấn mạnh trong dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp tham vấn các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển về xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050 (Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh 2030).

Nói với các chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học tại hội thảo này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030 hướng tới nền kinh tế trung tính cácbon (carbon neutral) là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới, giúp Việt Nam đón đầu cơ hội và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả”.

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết hiện nay, khung cơ bản về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được hình thành và đã dự báo đến năm 2030, đánh giá tác động tới nền kinh tế. Ban soạn thảo đưa ra tên gọi cho chiến lược này là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 hướng tới năm 2050”.

Để thực hiện chiến lược này, có hai nhóm giải pháp được đưa ra là nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp cho từng ngành. Và nhiệm vụ đặt ra là giảm cường độ phát thải nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, xanh, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất đồng thời xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. “Thực hiện tăng trưởng xanh là lựa chọn đúng đắn, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, và vượt lên để thực hiện khát vọng thịnh vượng bao trùm, nhân văn cùng với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030”, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Tăng trưởng xanh không những giúp đảm bảo bền vững về môi trường, nâng cao năng lực chống chịu của quốc gia trước biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mà còn tạo bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và hưởng lợi của mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, góp phần truyền tải, chia sẻ các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa cốt lõi, lối sống có trách nhiệm của từng con người và của toàn xã hội. Các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu SDGs và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.

Chiến lược thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ và gắn kết của Việt Nam trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế và là cơ sở để cân đối các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, hài hòa lộ trình phát triển kinh tế-xã hội với các mục tiêu giảm phát thải, giúp tăng cường hiệu quả phân bổ đầu tư công và giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong trung hạn và dài hạn.

Đặc biệt là tính tổng thể bao trùm nhưng định lượng được của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn tới đây. Tư duy phát triển mới tư duy phát triển xanh thể hiện rõ nét trong chiến lược này ở những mục tiêu cụ thể, chứ không chỉ là những giải pháp chung chung như nhiều chiến lược trước đã xây dựng. Đặc biệt là khái niệm xanh hóa nền kinh tế được đưa vào chiến lược và chiến lược này đã mạnh dạn nhấn mạnh đến các yếu tố xã hội, Vụ trưởng Lê Việt Anh cho biết.

Chiến lược là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam xây dựng xã hội nhân văn hướng tới phát triển bao trùm, mở rộng độ bao phủ đối với các ngành còn ít được quan tâm trong quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn trước như giáo dục, y tế, trẻ em,… “Chiến lược là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, bình đẳng về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội”, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán (Hàn Quốc, Hà Lan, Anh Quốc…), tổ chức quốc tế, đối tác phát triển (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, UNIDO, UNICE, GiZ, KOICA, AFD, USAid, SNV, HSS…) cùng các chuyên gia đã cùng nhất trí cao với dự thảo Chiến lược này và cho rằng đây là một chiến lược khả thi với nhiều điểm mới.

“Chiến lược sẽ hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam. Với việc kết hợp cả phưogn pháp định tính và định lượng trong chiến lược, Việt Nam đã tự định vị mình ở vị trí tốt hơn rất nhiều với mục tiêu cụ thể như mục tiêu giảm phát thải nhà kính…”, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu. Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế và đại diện các đại sứ quán cùng các đối tác phát triển tham dự đã bày tỏ cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.

Chiến lược tăng trưởng xanh này có tầm quan trọng đặc biệt trong định hướng phát triển đất nước nhằm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, 2026-2030./.

Tri Nhân