Phát triển kinh tế vườn rừng gắn với sinh kế nông thôn ở Đắk Nông

Ngày 29/10, Sở KH-CN Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Đắk Glong tổ chức Hội thảo: “Phát triển kinh tế vườn rừng gắn với sinh kế nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông – thực trạng và giải pháp”.

Hiện nay, Đắk Nông có tổng diện tích rừng và đất rừng khoảng 334.178,4 ha; trong đó, diện tích có rừng là hơn 254.326ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,07%. Đắk Nông có diện tích đất chưa có rừng tương đối lớn, khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi với nhiều loại cây trồng.

Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển rừng, phát triển kinh tế vườn rừng. Qua đó, vừa giúp nâng cao thu nhập, vừa tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cho Đắk Nông.

ktvr1-1730252864.png
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại buổi hội thảo các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận: Thực trạng phát triển rừng tại Đắk Nông; vai trò Hội Nông dân trong phát triển kinh tế vườn rừng; phát triển kinh tế vườn rừng gắn với sinh kế nông thôn tại Đắk Glong; chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các mô hình nông lâm kết hợp tại khu vực Tây Nguyên; mắc ca trồng xen trong vườn cà phê - mô hình phát triển kinh tế vườn rừng hiệu quả ở Tây Nguyên; mô hình phục hồi rừng và nông lâm kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk có thể áp dụng cho Đắk Nông…

ktvr2-1730252935.png
Phó Giám đốc Sở KH-CN Đắk Nông Lưu Văn Đặng phát biểu tại hội thảo.

Thông qua hội thảo lần này, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ thực trạng phát triển kinh tế vườn rừng tại Đắk Nông, cũng như tác động đến sinh kế người dân nông thôn. Các ý kiến cũng quan tâm đánh giá về thách thức và cơ hội trong việc phát triển kinh tế vườn rừng bền vững, nhất là trong điều kiện khí hậu và đất đai đặc thù của tỉnh.

Một số đại biểu còn nêu rõ, Đắk Nông hiện tại có rất nhiều lợi thế để thúc đẩy các mô hình kinh tế rừng, kinh tế vườn rừng, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng chú trọng để phát triển mô hình này, trong đó có phát triển kinh tế rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng.

ktvr3-1730252978.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu (nấm linh chi đỏ) dưới tán rừng.

Thúc đẩy mô hình kinh tế vườn rừng gắn du lịch cũng được các đại biểu đóng góp ý kiến, đây cũng là mô hình góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân tại các vùng nông thôn, khai thác triệt để những tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp gắn với duy trì và bảo vệ rừng.

Qua các báo cáo tham luận cũng như các ý kiến đóng góp, hội thảo đã đề xuất ra những giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương./.

Kiến Giang