Nông nghiệp tuần hoàn trước tác động của biến đổi khí hậu ở Đắk Nông

Trước thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng, nông dân Đắk Nông đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để thích ứng.

Những năm qua, tác động do BĐKH đối với canh tác nông nghiệp ở Đắk Nông diễn ra rõ rệt. Không chỉ làm đảo lộn, mùa vụ mà vào những tháng cao điểm mùa khô hàng năm, Đắk Nông luôn đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng diễn ra thường xuyên. Trước thực tế đó, Đắk Nông đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với BĐKH hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, giúp cây trồng chống chịu, thích ứng với biển đổi của thời tiết.

nnth3-1729729890.png
Tình trạng đốt rơm rạ sau mùa gặt vẫn còn diễn ra trên cánh đồng ở Đắk Nông

Vườn cà phê tái canh của anh Nguyễn Công Sáng, thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil sau 5 năm sử dụng phân hữu cơ ủ từ ủ cà phê, cây phát triển tốt, khỏe mạnh, cho năng suất cao hạn chế được sâu bệnh hại trên vườn. Anh Sáng cho biết, sau khi áp dụng biện pháp ủ vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ, anh nhận thấy đây là một cách làm hay và hiệu quả. Theo anh Sáng: “Từ khi biết được phương pháp ủ và sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp đã giúp gia đình tôi giảm được một phần chi phí cho phân bón, không những vậy cây phát triển bền vững hơn nên cũng giảm thiểu được lượng nước tưới trong mùa khô, và góp phần cải tạo đất..., nên cây cà phê phát triển đạt năng suất cao hơn” .

nnth4-1729729927.jpeg
Mô hình ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh được nông dân xã Trường Xuân huyện Đắk Song.

Còn gia đình ông Phạm Văn Ngọc, ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp có 4ha hồ tiêu được canh tác theo hướng thuận tự nhiên nên tạo được sinh thái khá ổn định trong bối cảnh tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt. Trong vườn hồ tiêu của ông Ngọc được canh tác theo hướng đa tầng. Trong đó, tầng tán trên có hệ thống cây rừng che bóng, chắn gió xung quanh. Cây che bóng mát đồng thời cũng là trụ sống cho cây hồ tiêu leo, bám. Loại cây rừng được ông Ngọc sử dụng chủ yếu là cây muồng đen.

Theo kinh nghiệm của ông Ngọc, tầng dưới là thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Nó tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đất canh tác vì vậy cũng tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi trong hấp thụ dưỡng chất. “Hàng năm, nhờ trồng cây che bóng đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được phần lớn chi phí tưới nước, năng suất cây trồng luôn ổn định, đạt năng suất tăng từ 1,5 - 3 tấn/ha so với vườn trồng thuần", ông Ngọc cho biết thêm.

nnth2-1729729961.png
Vườn Hồ tiêu của ông Phạm Văn Ngọc với phương pháp canh tác mới

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện nay, tính bền vững của nông nghiệp và phương thức phát triển sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế. Đáng nói là BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên, kèm với dịch bệnh diễn biến khó lường đã tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân. Vì vậy, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngày càng diễn ra mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp hiện nay. Phát triển bền vững, thích ứng, giảm thiểu những rủi ro của BĐKH và những rủi ro khác về thị trường là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp hiện nay.

Ông Hồ Gấm cho rằng: “Nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ với nhiều nông dân. Nhưng thực tế rất đơn giản và ai cũng có thể áp dụng để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Đó là tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trở thành phân bón, thức ăn cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác”. Từ đó, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu sự lãng phí và lượng chất thải đưa ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa nông nghiệp tuần hoàn so với cách làm nông nghiệp truyền thống.

nnth1-1729729861.png
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông) sản xuất phê theo hướng hữu cơ

“Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững”, ông Hồ Gấm cho biết thêm./.

Kiến Giang