Kinh tế tuần hoàn tối ưu giá trị sản xuất nông nghiệp

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
nong-nghiep-tuan-hoan-03-1705716031.jpg
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp tuần hoàn tối ưu tăng trưởng

Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Thực tế tại nước ta, hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đó là các mô hình: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình vườn – rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình lúa – tôm, lúa – cá. Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ, ngô – gia súc, gia cầm – cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…

Ấp ủ mô hình chăn nuôi trồng trọt sạch để phục vụ chuỗi nhà hàng tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), sau là cung ứng cho người tiêu dùng trong thành phố, anh Võ Vinh Ca (45 tuổi), chủ trang trại khép kín hoàn toàn rộng 4 ha tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) là người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ ở địa phương này.

Được UBND huyện Vân Canh cho thuê 4ha đất trong thời hạn 50 năm, anh Ca thực hiện ước mơ sở hữu một trang trại chăn nuôi, trồng trọt chuẩn hữu cơ mà anh ấp ủ lâu nay. Khi được Nhà nước giao đất vào năm 2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên phải đến cuối năm 2021 anh Ca mới bắt tay vào xây dựng trang trại. Tại thời điểm này, đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn được coi là lĩnh vực khá mạo hiểm. Chưa kể khí hậu ở Vân Canh rất khắc nghiệt (được cho là địa phương nóng nhất tỉnh Bình Định).

Theo anh Ca, vào mùa hè nhiệt độ tăng đến hơn 40 độ C thì phải tăng cường giải nhiệt hoặc trang bị quạt làm mát cho gà. Buổi sáng, trước khi cho ăn, tất cả vật nuôi đều được uống nước từ cây thảo dược trồng xen kẽ trong trang trại để tăng sức đề kháng.

“Thức ăn cho heo có công thức phối trộn riêng, thức ăn cho gà có công thức riêng, các vật nuôi khác cũng vậy. Thức ăn sau khi đã lên men được cho vào máy ép thành viên để dành cho vật nuôi ăn dần. Quan điểm chăn nuôi hữu cơ của tôi là không cho vật nuôi ăn cám công nghiệp”, anh nói.

nong-nghiep-tuan-hoan-01-1705716073.jpg
Trang trại khép kín hoàn toàn vận hành theo quy trình tuần hoàn của anh Võ Vinh Ca ở Bình Định.

Hiện tại, trang trại anh Ca đang nuôi khoảng 20.000 con gà ta Bình Định của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh và nuôi thử nghiệm một ít gà H’Mông. Ngoài ra, anh cũng nuôi khoảng 1.000 con vịt vừa vịt thịt và vịt đẻ, với các giống vịt trời và vịt biển; 200 con heo bản địa (heo đen) và 100 con heo siêu nạc; 20 con bò BBB. Chưa hết, trang trại anh còn nuôi thêm thỏ, dê, chim bồ câu… để bổ sung vào thực đơn của chuỗi nhà hàng tại thành phố Quy Nhơn.

Thực tế hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành hàng hóa

Thành lập tháng 11/2021, HTX Nông nghiệp Sơn La (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là đơn vị đi đầu trong mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn, tất cả những phụ phế phẩm trong chăn nuôi bò được thu gom, xử lý cùng vỏ cà phê để nuôi trùn quế, sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp ngược trở lại cho các hạng mục trồng trọt. Đây được xem là một trong những HTX đầu tư nông nghiệp khép kín, đầu tư bài bản.

Tham quan cơ sở chăn nuôi, sản xuất phân bón tại xã Chiềng Mung, anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, giới thiệu: HTX hiện có 4 trang trại tại xã Cò Nòi và Chiềng Mung, nuôi 800 con bò 3B. Thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, HTX không bỏ bất cứ 1 thứ gì, phân bò được ủ cùng bã cà phê, vỏ lụa sắn để nuôi trùn quế, nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý dùng tưới cỏ nuôi bò. Trùn quế được sử dụng nuôi ba ba, lợn rừng và sản xuất phân bón hữu cơ.

Áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn phân bón hữu cơ trùn quế cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, HTX cà phê Bích Thao tại Thành phố và các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh; cung cấp hàng trăm tấn thịt bò 3B thương phẩm và hàng trăm con bò giống ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX thu mua lượng lớn vỏ cà phê, rơm, cỏ hoặc phế phụ phẩm sau sản xuất của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La để chế biến sản xuất làm phân bón cung cấp tuần hoàn ngược trở lại ra thị trường. Lợi ích của mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giúp HTX tiết kiệm đầu tư chi phí từ phân bón, thân thiện với môi trường.

Theo thống kê, ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn tổng sản lượng phụ phẩm. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám. Đối với tôm, khối lượng phụ phẩm ước đạt 314.944 triệu tấn. Với cá tra, khối lượng phụ phẩm ước đạt 994.000 tấn. Với trái cây, khối lượng phụ phẩm ước đạt 4.400.000 tấn,…

Trong khi đó, từ nguồn phế phụ phẩm này có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị như: phế phụ phẩm từ lúa có thể sản xuất ra phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ. Phụ phẩm từ tôm sản xuất ra được chiết suất, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo. Phụ phẩm từ cá tra sản xuất ra được chiết xuất collagen, enzyme, phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi, năng lượng tái tạo,…

nong-nghiep-tuan-hoan-02-1705716101.jpg
Ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn.

Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi đạt 75,1%; lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang là xu thế với nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ cần tuân thủ 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, sự công bằng và sự cẩn trọng.

Việt Nam đang dần đưa kinh tế tuần hoàn vào khung thể chế, chính sách. Cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện nông nghiệp tuần hoàn đang là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và các địa phương đặc biệt quan tâm.

Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu./.

Trọng Đạt