Mãi đến gần đây vấn đề tự chủ báo chí mới được đặt ra một cách cấp thiết. Trước đây, rất nhiều người quan niệm báo chí sinh ra là để phục vụ mục đích chính trị, tốn kém cũng được nhưng phải đúng, trúng…
Tuy nhiên, đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức của lãnh đạo nhiều cấp, nhiều ngành đã thay đổi, kinh tế báo chí và vấn đề tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí được đặt ra một cách nghiêm túc. Việc tuyển chọn lãnh đạo cơ quan báo chí cũng được đặt ra khi đối mặt với vấn đề này.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đặc biệt là thời kỳ kinh tế suy thoái do dịch Covid đã buộc một số cơ quan báo chí phải đưa ra các quyết sách “thắt chặt chi tiêu”. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tồn tại trong giai đoạn hiện nay cũng như hướng phát triển trong tương lai; Cơ quan báo chí hoạt động theo hướng nào để tồn tại và phát triển?
Ai cũng biết, vấn đề sống còn đầu tiên của báo chí là nội dung và công nghệ. Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc chú trọng nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật. Trong thời gian khá dài, các cơ quan báo chí vẫn phát triển chiến lược lấy công chúng làm trung tâm, tuy nhiên, giờ đây vấn đề đã khác, công nghệ thay đổi nhanh đến mức báo chí truyền thống không biết nền tảng nào là quan trọng nhất trong việc tiếp cận công chúng.
Từ xu thế truyền thông quốc tế, chúng ta thấy rõ rằng độc giả rồi sẽ phải quen với việc trả tiền cho nội dung được tiếp cận. Do vậy, thay vì tập trung sản xuất những nội dung nhiều “view” (lượt xem) để có quảng cáo, báo chí trong nước nên bắt đầu suy nghĩ về việc thay đổi phương thức kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao, đi liền với đó là yêu cầu cải thiện chất lượng nội dung. Đây chính là vấn đề cần quan tâm của kinh tế báo chí.
Bởi đóng góp của các cơ quan báo chí vào tổng thu nhập quốc dân không đáng kể nên cần có sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản. Đồng thời nên phân biệt rạch ròi giữa cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn, cơ quan báo chí tự chủ một phần và cơ quan báo chí bao cấp để từ đó đưa các chính sách hỗ trợ phù hợp. Một vấn đề nữa đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước chú ý đó là việc chia sẻ lợi nhuận giữa các nhà cung cấp dịch vụ và báo chí.
Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng, trong khi đó các cơ quan báo chí vẫn phải chịu tiền mạng và không được thu lợi gì từ nhà mạng.
Ngoài ra, xã hội càng phát triển, quảng cáo trên báo chí không còn bị quan niệm là “làm thêm”, mà chính là nguồn thu chủ yếu để báo chí tồn tại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan báo chí cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông - quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “ăn xin”.
Thực tế cho thấy, ngay từ những năm 1990, một số cơ quan báo chí đã yêu cầu phóng viên “tỏa” đi “chạy” quảng cáo, dựa trên mối quan hệ và lĩnh vực mình theo dõi, đồng thời kiếm “hoa hồng” từ nguồn đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các tòa soạn nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông - quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững, tránh gặp những rủi ro không đáng có.
Một thời gian khá dài, báo in luôn là loại hình truyền thông chủ yếu của bạn đọc, cũng là sự lựa chọn chủ yếu của doanh nghiệp khi họ có nhu cầu quảng cáo. Nhưng ngày nay, báo in đang gặp nhiều khó khăn khi bị mạng xã hội lấn lướt và khiến số lượng phát hành giảm mạnh. Các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến, do đó, quảng cáo bị phân tán, nhiều nhà quảng cáo đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến.
Trên thực tế, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí thông qua Google Adsense khá thấp, hơn nữa quảng cáo của Google đôi lúc hiển thị các loại quảng cáo trái phép, thậm chí vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tờ báo. Việc chuyển hướng “điện tử hóa” báo chí là tất yếu khách quan, bởi trong bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng hiện nay, các tòa soạn cố gắng tận dụng lợi thế của internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường internet, một số tờ báo lớn trên thế giới đã áp dụng các cách thanh toán paywalls để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin của họ.
Theo PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, đây cũng là dịp để cơ quan báo chí đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tạo thương hiệu, tăng nguồn thu. Khi xác định kinh tế báo chí là con đường sống còn của các cơ quan báo chí, việc có nhiều nguồn thu sẽ giúp các tòa soạn trụ vững và phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông xã hội hiện nay. Trong bất kỳ giai đoạn nào, để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, các cơ quan báo chí cũng có thể tăng cường tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc dịch vụ công nghệ thông tin.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng, bởi với uy tín và các mối quan hệ của mình, các cơ quan báo chí có khả năng huy động được các nguồn lực: tiền, hàng hoá, nhân lực… để tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện. Hoạt động này được người dân tin cậy nhất khi trao gửi các khoản đóng góp, các món quà tham gia hoạt động xã hội - từ thiện. Qua những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, thương hiệu của các cơ quan báo chí tăng lên, tạo đà phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Tóm lại, khi bàn về kinh tế báo chí, chúng ta hay nói tới những hoạt động kinh doanh trực tiếp của cơ quan báo chí cả trên “mặt báo” và bên ngoài “mặt báo”. Tuy nhiên, để báo chí phát triển bền vững, ổn định và chuyên nghiệp, trong bất cứ hoàn cảnh nào, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai sớm đặt hàng các cơ quan báo chí cũng là sự hỗ trợ thiết thực tạo nên một trong những nguồn thu ổn định để báo chí phát triển, thực sự là phương tiện truyền thông thiết yếu phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo nội dung của Đề án Quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí cần phải xác định, các cơ quan báo chí có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn bắt buộc tự chủ về tài chính. Trong bối cảnh thị trường báo chí ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đối tượng độc giả không gia tăng, thì số lượng đầu báo và các ấn phẩm lại không ngừng tăng, khiến cho câu chuyện tự chủ báo chí giờ đây trở thành một thách thức lớn.
Báo chí hiện tồn tại 3 hình thức: 1. được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; 2. Cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; 3. Tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện có khoảng 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán.
Trước biến động của nền kinh tế, một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây đã sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng truy cập lớn. Đối với những cơ quan báo chí đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính thì vẫn có thể trụ vững, có chăng họ sẽ điều chỉnh chiến lược phù hợp trong điều kiện mới. Tuy nhiên, đối với với 2 hình thức tòa soạn còn lại muốn làm gì cũng sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy ngân sách ở đâu để đầu tư?".
Bước vào tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “tả pí lù”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là bài toán cần tìm lời giải đối với các tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một sản phẩm báo chí.
Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, chiếm giữ và mở rộng thị phần; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng khẳng định xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí không theo kịp xu thế càng gặp khó khăn. Lẽ ra phải cố gắng tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế thì không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các loại thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền, cùng với những hành vi tiêu cực khác, như một giải pháp kinh tế.
Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện cơ chế tự chủ thì “không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt”. Nhưng, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị, doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Do vậy, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra từ nhiều năm qua.
Một số cách làm được các tòa soạn áp dụng tạo ra nguồn thu bằng việc xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu. Vì thế, những câu chuyện như một tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin một chuyên mục, cần được xem là bình thường và sẽ ngày càng trở nên phổ biến đúng với quy luật phát triển. Lúc này, báo chí là nguồn, là kênh thông tin chính thống về đối tượng thông tin, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu về mình, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp và báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin và sản xuất.
Việc đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ đã nảy sinh nhiều xu hướng phát triển của từng tòa soạn, từng tờ báo. Một điều, tòa soạn nào cũng nhìn thấy ngay đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Nhưng như đã khẳng định ở trên, báo chí không hoàn toàn giống một doanh nghiệp và một nguyên tắc bất di bất dịch là tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế, cho dù thế nào, thông tin đúng chủ trương, đường lối vẫn phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề tài chính.
Tuy nhiên, đã phát triển theo quy luật, chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là các cơ quan báo chí, các nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực, khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc để các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.
Vì lý do đó, các nhà báo phải biến khó khăn thành cơ hội, không ngừng sáng tạo, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị thông tin, phù hợp với nhu cầu thực sự của độc giả. Đồng thời, các nhà báo phải tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng cơ quan báo chí với thương hiệu mạnh, góp phần phát triển bản thân tờ báo và nền báo chí nước nhà.
Đối với báo chí các Hội, đoàn tự chủ trong báo chí là vấn đề không bàn cãi, vấn đề là tự chủ như thế nào để báo chí vẫn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà vẫn “kiếm ra tiền” một cách chân chính để phát triển báo chí. Ngoài nội dung đúng, trúng, hay, kịp thời, với hình thức hiện đại thu hút độc giả, cơ quan báo và các chuyên trang phải dựa vào thế mạnh của mình, liên kết với các hội, đoàn, địa phương tổ chức sự kiện, quảng bá thương hiệu, tăng nguồn thu để báo hoạt động ngày càng bền vững./.