Kịch bản nào cho thị trường ô tô toàn cầu năm 2023?

Doanh số bán ô tô mới của các nhà sản xuất lớn ở Mỹ ước giảm trong năm 2022 do thiếu hàng tồn kho. Điều này gây sức ép lên các thương hiệu châu Á hơn là các gã khổng lồ Detroit như General Motors Co và Ford Motor Co. Trong năm 2023, thị trường ôtô có thể sẽ gặp thách thức về nhu cầu dù các vấn đề về nguồn cung đã giảm.

Nhiều thách thức về cung cầu

Theo CNBC, lãi suất cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và nỗi lo suy thoái kinh tế là một trong những thách thức lớn đối với ngành ôtô toàn cầu vào năm 2022. Những vấn đề này sẽ không nhanh chóng được giải quyết. 

Phố Wall lo ngại rằng thay vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung như trong năm nay, kịch bản của năm 2023 có thể sẽ chứng kiến nhu cầu bị "phá hủy" dù các vấn đề về nguồn cung đã giảm.

"Nhu cầu trong ngành xe ôtô sẽ bị tàn phá bởi lạm phát, lãi suất tăng cao và chi phí năng lượng", chuyên gia phân tích Daniel Roeska của Bernstein lưu ý.

Khi những hoạt động sản xuất xe tăng trở lại vào đầu năm tới, ông Daniel Roeska cho rằng các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao những vấn đề, thời điểm và mức độ khó khăn của các hãng xe.

profile-818-1672896617.jpg

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Rủi ro ở mức cao

Theo nhà tư vấn ngành Cox Automotive, doanh số bán ô tô cả năm của Mỹ ước đạt khoảng 13,9 triệu chiếc, giảm 8% so với năm 2021 và giảm 20% so với mức đỉnh năm 2016.

Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng do chi phí nguyên liệu gia tăng và thiếu hụt chip dai dẳng kéo dài đến năm 2022 khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà sản xuất ô tô bị đình trệ. Nguồn cung khan hiếm khiến giá ô tô và xe tải tăng cao, ngay cả khi lượng ô tô trong kho được cải thiện vào nửa cuối năm 2022.

Toyota Motor Corp là một trong số những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu phụ tùng, khiến thương hiệu xe Nhật Bản này phải cắt giảm mục tiêu sản xuất cả năm trong tháng 11/2022. Việc cắt giảm mục tiêu trên khiến Toyota phải nhường vị trí nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất Mỹ trong năm 2022 cho GM, sau khi hãng này để mất danh hiệu vào cuối năm 2021 và là lần đầu tiên kể từ năm 1931.

Theo Cox Automotive, doanh số bán ô tô tại Mỹ năm 2022 của GM sẽ tăng 2,3%, trong khi của Toyota dự kiến giảm 9%.

Một số nhà quan sát trong ngành lo ngại rằng việc các nhà sản xuất ô tô tăng giá để giảm sức ép lạm phát và lãi suất tăng sẽ gây ảnh hưởng cho doanh số bán xe mới trong năm nay. Mức độ rủi ro và và tình trạng bất ổn trong năm 2023 dự báo sẽ ở mức cao vì một số thị trường có thể phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Các nhà sản xuất ô tô sẽ cần bắt đầu triển khai các chương trình ưu đãi cho người mua hàng, vốn đã bị tạm dừng trong thời gian ngắn do đại dịch khi các nhà sản xuất và đại lý phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Chuyên gia nhận định

Theo ông Chris Hopson chuyên gia dự báo doanh số bản xe hạng nhẹ khu vực Bắc Mỹ tại S&P Global Mobility cho biết, hàng tồn kho và các chương trình ưu đãi sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá nhu cầu.

"Những thách thức liên tục về chuỗi cung ứng và nỗi lo suy thoái sẽ dẫn đến việc thị trường phải thận trọng phục hồi. Nhu cầu xe khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch", ông Hopson nhận định.

Nói cách khác, lãi suất tăng cao, hàng tồn kho và những lo ngại về suy thoái gia tăng có thể buộc các hãng xe giảm giá, hay từ bỏ lợi nhuận, để thu hút người tiêu dùng. Đó sẽ là tin tốt đối với người tiêu dùng, những người đã phải đối mặt với mức giá cao kỷ lục trong năm nay. Nhưng nếu vậy, các nhà sản xuất xe và cổ đông sẽ là những người gánh chịu chi phí.

Thi Nguyên (t/h)