Nỗi ám ảnh hạn mặn trong vườn sầu riêng
Rút kinh nghiệm từ 02 mùa hạn, mặn năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, những năm gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Bởi so với nhiều loại cây trồng khác, sầu riêng là loại cây dễ "mẫn cảm" với mặn.
Trong mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Triệu (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) bị ảnh hưởng khoảng 50%. Một số cây bị suy kiệt, không thể phục hồi. Gia đình ông Triệu phải bỏ rất nhiều tiền của, công sức để khôi phục vườn sầu riêng. Do đó, những năm qua, khi mùa khô đến, ông luôn chủ động trong việc bảo vệ vườn sầu riêng. Ông Triệu cho biết: "Khi gần tới mùa hạn, mặn, gia đình tôi tiến hành nạo vét các mương trong vườn sầu riêng để trữ nước nhiều hơn, phòng khi mặn tới không lấy được nước từ sông vào".
Cũng tại xã Ngũ Hiệp, gia đình ông Trần Văn Dẫu có trồng hơn 1,2 ha sầu riêng đang cho trái. Sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2020, gia đình ông phải chật vật để để cứu vườn sầu riêng. "Bài học" từ đợt xâm nhập mặn năm đó vẫn còn ám ảnh ông cũng như nhiều nhà vườn trồng sâu riêng xung quanh. Do đó, hàng năm, gia đình ông Dẫu đều nạo vét mương vườn để trữ nước ngọt nếu mặn xâm nhập tới đây. "Ở xã, ngày nào cũng có thông báo về độ mặn trên sông cho người dân nên tôi cũng an tâm. Khi có thông báo mặn xuất hiện thì chúng tôi sẽ đóng kín các cống trong mương vườn lại. Trong những ngày tới, tôi sẽ tiếp tục nạo vét các mương trong vườn để tích trữ nước ngọt", ông Dẫu bộc bạch.
Còn tại xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), ông 5 Đức có gần 04 công sầu riêng đang cho trái. Những ngày qua, sau khi nghe thông tin mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, gia đình ông đã chủ động làm sạch cỏ, lục bình trong các mương vườn để tăng cường trữ nước ngọt. Đồng thời, gia cố lại các cửa cống lấy nước vào mương vườn nhằm đảm bảo ngăn mặn hiệu quả, tránh nước mặn rò rỉ vào mương gây ảnh hưởng đến sầu riêng.
Theo bà Hồ Thị Xuân Đào, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phong, hiện toàn xã có khoảng 600 ha sầu riêng. Để chủ động công tác phòng, chống hạn, mặn, Ủy ban nhân dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân tăng cường nạo vét kinh, mương, khơi thông dòng chảy. Hiện địa phương đã được tỉnh đầu tư 08 giếng khoan phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn. Xã đã đầu tư các ô đê bao, khi mặn xâm nhập tới thì sẽ vận hành các giếng khoan bơm nước vào các ô này để phục vụ sản xuất cho người dân. Sau đợt hạn, mặn năm 2019 - 2020, bà con đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống hạn, mặn và ý thức đã được nâng cao.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam, cây sầu riêng chịu được độ mặn dưới 1/1000. Do đó, nông dân cần lưu ý khi tưới nước cho cây, nồng độ mặn phải dưới 0,2g/l. Để bảo vệ tốt vườn sầu riêng, nông dân cần theo dõi thông tin dự báo về tình hình xâm nhập mặn để không lấy nước vào vườn, kịp thời chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, nhà vườn nên trang bị một dụng cụ để đo độ mặn trước khi tưới nước cho cây. Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý chăm sóc cây sầu riêng trong mùa hạn, mặn đúng theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn.
Nhiều giải pháp bảo vệ cây tiền tỷ sầu riêng
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ 8 công đất vườn cây sầu riêng đang cho thu hoạch tại ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước nên gia đình ông đã chủ động hơn trong việc trữ nước chống hạn. Các mương vườn luôn có đầy nước, gia cố đê bao, cống bọng sẵn sàng ứng phó khi mặn trên sông Tiền tăng cao.
Theo ông Minh: "Nước mặn thì mình phải phòng ngừa, dự trữ nước đủ tưới, ví dụ trong ao hồ khi tưới phân nửa thì cho nước sông vào pha từ từ. Gia đình có ống bọng, tôi canh khi nước rút độ mặn giảm rồi xả vào. Thứ 2, giếng khoan của tôi pha vào nữa, mọi lần sầu riêng chết là do chủ quan, không biết còn bây giờ biết rồi thì không sợ”.
Dù nước mặn chưa xâm nhập đến địa bàn nhưng công tác phòng chống thiên tai hiện nay rất được nhà vườn cù lao Ngũ Hiệp quan tâm, huy động mọi điều kiện, vật chất để ứng phó quyết tâm bảo vệ an toàn vườn cây sầu riêng.
Ông Trình Văn Sỹ, nhà vườn trồng 01 ha vườn sầu riêng tại ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp chia sẻ: "Hiện tại, ao tôi đã vét hết, mô tơ đặt sẵn. Nếu mặn lên tôi đóng bọng, trong này tôi sử dụng được một tháng, còn nếu thiếu nước nữa thì mình đi mua. Hệ thống chống hạn mặn tôi đã làm hết, chính quyền mấy bữa này họp vận động bà con chuẩn bị mấy trăm nghìn, sắt thép, cừ... nếu mặn tới thì làm đập. Năm nay nếu sơ xuất không làm ngăn mặn kịp thì nước tràn vào sẽ ảnh hưởng”.
Cù lao Ngũ Hiệp là địa phương có mô hình trồng cây sầu riêng sớm nhất tỉnh Tiền Giang với gần 1.500 ha; trong đó có 80% vườn cây đã cho trái. Địa bàn này thường bị nước mặn tấn công từ sông Tiền và cả sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre); trong khi đó Ngũ Hiệp có nhiều kênh mương thông với sông Tiền, sông Năm Thôn. Hiện nay, xã Ngũ Hiệp mới xây dựng được 3/8 cống ngăn mặn, triều cường.
Trước mắt chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị huyện, tỉnh cho xây dựng 5 cống ngăn mặn dã chiến với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng và khoan thêm 2 giếng tầng sâu nâng tổng số là 9 giếng để giúp địa phương có thêm nguồn nước ngầm ứng phó với hạn mặn mùa khô sắp tới. Ngoài ra chính quyền, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp công trình, phi công trình để bảo vệ vườn cây đặc sản cũng là kinh tế chính của gần 100% hộ dân nơi đây.
Bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết thêm: "Thứ nhất, tôi tuyên truyền cho người dân, mỗi hộ gia đình phải nạo vét mương vườn của mình để trữ nước bảo vệ cho vườn cây ăn trái. Tiến hành sửa chữa các tuyến đê, nắp cống bị hư hỏng, để khi có thông báo hạn mặn xảy ra thì đóng các cống, các đê lại để khép kín. Đối với việc xử lý cây sầu riêng nghịch vụ nên né các tháng hạn mặn sắp tới. Xã tuyên truyền người dân nên tích trữ nước, đối với các mô sầu riêng nên đậy cỏ cho ẩm gốc, tưới tiết kiệm nước trên vườn cây ăn trái của mình”.
Cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bên cạnh những nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng, một trong những lo ngại của người trồng sầu riêng Tiền Giang là tình trạng xâm nhập mặn. Do vậy, nhà vườn luôn chủ động các phương án phòng chống hạn mặn cùng với sự vào cuộc của chính quyền và ban ngành địa phương để bảo vệ an toàn vườn cây đặc sản nơi đây./.