Bến Tre chủ động nguồn nước ngọt cho mùa hạn mặn

Từ bài học kinh nghiệm ứng phó hạn mặn các năm trước, hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp nước ứng phó hạn mặn năm 2022. Qua đó, đảm bảo các hộ dân vùng nông thôn có nước sạch, nước ngọt sử dụng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tùng, phụ trách nhà máy nước Châu Bình (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm), nhà máy nước Châu Bình cung cấp cho hơn 4.300 hộ dân của ba xã Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm. Để đủ nước ngọt cung cấp cho các hộ dân trong thời điểm hạn mặn sắp tới, nhà máy chuẩn bị hai phương án lấy nước thô từ sông Châu Bình và sông Ba Lai.

Ông Tùng cho biết, hệ thống cống Trung Nhuận ngăn mặn tại sông Châu Bình hoàn chỉnh đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy có đủ nguồn nước cung cấp cho các hộ dân. Nhà máy cũng khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt đủ dùng từ 3-4 tháng, nếu hạn mặn kéo dài, khi đó khả năng nguồn nước thô nhà máy lấy từ hệ thống kênh rạch độ mặn sẽ tăng, lúc đó người dân có đủ nước dự trữ để dùng.

Ông Lê Văn Ngon, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho hay, vào mùa hạn mặn gia đình chủ động trữ nước ngọt để sinh hoạt tuy nhiên lượng nước không đủ đáp ứng nếu hạn mặn kéo dài. Hiện nay, nhà máy nước Châu Bình cung cấp được nước ngọt cho người dân sử dụng người dân rất phấn khởi.

Theo ông Ngon, trước đây vào mùa hạn mặn, thì nước máy cũng bị nhiễm mặn, người dân không đủ nước để dùng. Năm nay, nhà máy cung cấp nước ngọt nên người dân yên tâm hơn. Đồng thời, giảm được chi phí rất lớn khi phải mua nước ngọt bên ngoài với giá rất cao về sử dụng.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ Môi trường Nông thôn tỉnh Bến Tre, đơn vị đang quản lý 32 nhà máy nước, công suất hơn 61.000 m3 /ngày đêm, cung cấp nước sạch cho hơn 86,3 nghìn hộ dân. Với 9 khu vực cấp nước phân bố trên địa bàn 7 huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Bình Đại. Nguồn nước cấp cho nhà máy nước xử lý được bơm chủ yếu từ 4 sông chính là sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên.

ben-tre-151221-1645962082.jpeg
Cống Bà Trương, xã Tân Phú, huyện Châu Thành phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho mùa khô. Ảnh tư liệu

Trong mùa hạn mặn, Trung tâm Nước sạch và Vệ Môi trường Nông thôn tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân nhằm giảm tác động tiêu cực do hạn mặn; trong đó, có 5 giải pháp chính như: kết nối mạng lưới cấp nước, chuyển nước ngọt từ nhà máy có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy có độ mặn cao; vận hành hệ thống lọc nước mặn RO tại các nhà máy nước; lập trạm bơm nước thô để bơm nước thô cho cụm xử lý nhà máy nước; mua nước qua đồng hồ tổng từ các đơn vị cấp nước khác; chuyên chở nước thô bằng sà lan về nhà máy nước xử lý.

Ông Huỳnh Kim Mười, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ Môi trường Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, các phương án ứng phó khả thi, sát thực tế, đúng thời điểm đã giúp giải quyết được nguồn nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.

Mặt khác, hiện nay các công trình thuỷ lợi gồm: công trình thuộc dự án hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án hệ thống thuỷ lợi Nam Bến Tre, Dự án hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách…, kết hợp với các công trình thuỷ lợi đã hoàn thành, đưa vào vận hành góp phần lớn hạn chế ảnh hưởng do xâm nhập mặn tại hầu hết các nhà máy nước trực thuộc.

Ngoài ra, trung tâm quản lý 4 nhà máy nước bị ảnh hưởng mặn với độ mặn cao và kéo dài tác động tới sinh hoạt của người dân, là nhà máy nước Tân Hào, Lương Phú, Long Định và Thới Lai.

Để đảm bảo hoạt động cấp nước ổn định, đủ nước ngọt sạch cho nhu cầu trong sinh hoạt của người dân trong thời gian nguồn nước bị nhiễm mặn, trung tâm tiếp tục thực hiện giải pháp chuyên chở nước ngọt thô từ thượng nguồn (nơi có độ mặn < 0.2‰) bằng sà lan về 4 nhà máy nước nêu trên để xử lý thành nước sạch đạt quy chuẩn, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện vận chuyển nước ngọt bằng sà lan cho 4 nhà máy nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Việc cấp nước bằng sà lan sẽ diễn ra liên tục trong 3-4 ngày/đợt đồng bộ với công suất xử lý của nhà máy nước và truyền tải của mạng cấp nước. Ngoài thời điểm cấp nước ngọt bằng sà lan, những ngày còn lại trung tâm sẽ cấp nước bình thường từ nguồn nước mặt tự nhiên trên sông để phục vụ nước sinh hoạt của người dân.

Song song với giải pháp chuyển nước ngọt bằng sà lan phục vụ nước sinh hoạt, trung tâm cũng vận hành hệ lọc nước mặn RO đáp ứng nhu cầu nước ăn uống cho hộ dân. Trên địa bàn tỉnh, trung tâm quản lý 27 hệ thống RO được lắp đặt tại 24 nhà máy nướcvới tổng công suất hơn 2.900m3/ngày đêm.

Ông Huỳnh Kim Mười cho hay, trung tâm tạo điều kiện tốt nhất để cung cấp nước sạch, ngọt cho người dân sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Bên cạnh đó, ông Mười khuyến cáo người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, chủ động trữ nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình khi hạn mặn kéo dài./.