'Thủ phủ' cây ăn trái tìm giải pháp ứng phó với hạn mặn đảm bảo cung ứng trái cây đặc sản dịp Tết

Là địa phương có có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 86.000ha, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng với những loại trái cây đặc sản như sầu riêng, vú sữa, xoài... Thời điểm này các nhà vườn đang thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chức năng về phòng chống hạn mặn để bảo vệ vườn trái cây đang thời kỳ thu hoạch.
chong-han-man-03-1706499992.jpg
Tỉnh Tiền Giang xây dựng phương án phòng chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 – 2024. (Ảnh minh họa)

Khẩn trương bảo vệ 35.000ha cây ăn trái trước hạn mặn

Thông tin từ Sở NN-PTNT Tiền Giang, năm nay địa phương còn khoảng 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn, bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa...

Có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mặn và cần được bảo vệ là khu vực thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), chủ yếu là cây sầu riêng với diện tích 22.000ha.

Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành chức năng đã hướng dẫn, tuyên truyền người dân nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước, ứng phó xâm nhập mặn cũng như thực hiện các giải pháp kỹ thuật đã đúc kết từ những năm qua.

Cù lao Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy là địa phương trồng chuyên canh cây sầu riêng sớm nhất của tỉnh với diện tích gần 1.500ha, 100% diện tích này đang trong thời kỳ kinh doanh.

Những năm xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, địa phương này thường xuyên bị nước mặn tấn công từ sông Tiền và cả sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Đáng quan tâm là hiện nay, xã Ngũ Hiệp chỉ mới xây dựng được 3/8 cống ngăn mặn, chống triều cường.

Thời điểm này, dù nước mặn chưa xâm nhập đến địa bàn nhưng chính quyền và nhân dân cù lao Ngũ Hiệp đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn có thể xảy ra trong mùa khô đang cận kề.

chong-han-man-02-1706500026.jpg
Toàn tỉnh Tiền Giang còn khoảng 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn. (Ảnh minh họa)

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, bên cạnh thực hiện các giải pháp công trình là đắp các đập tạm, nhiều giải pháp phi công trình cũng được nông dân cù lao đẩy mạnh ứng dụng như nạo vét kênh mương, đào ao, lót bạt tích trữ nước ngọt, không để cây mang trái vào mùa khô hạn, dùng cỏ khô che phủ gốc cây để giảm thất thoát hơi nước…, nhất là chú trọng tiết kiệm nước tưới tiêu.

Về giải pháp kỹ thuật, bà con nông dân cần chú trọng xử lý cây ra hoa, cho trái nghịch vụ với tỷ lệ thực hiện chiếm khoảng 70%. Theo kinh nghiệm, hàng năm bà con thường lựa chọn xử lý ra hoa một trong hai vụ sầu riêng. Vụ thuận thường có thời điểm thu hoạch vào khoảng tháng 3 – 5 âm lịch. Vụ nghịch thường kết thúc thu hoạch trước Tết Nguyên đán.

Năm nay, các nhà khoa học dự báo hạn mặn xâm nhập sâu nên đa số bà con chuyển hướng sang mùa nghịch, thu hoạch xong vào khoảng tháng Chạp. Khi nước mặn tới, cây đã ra được 1 – 2 cơi đọt nên đã khỏe mạnh hơn. Còn nếu để ra trái mùa thuận, bà con sẽ xử lý ra hoa vào khoảng tháng 11 – 12, ra giêng cây mang trái ngay mùa hạn mặn sẽ dễ suy kiệt dẫn đến chết cây. Nếu tình hình hạn mặn gay gắt, bà con sẽ cân nhắc bỏ vụ 1 năm.

Theo bà Võ Thị Kim Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, qua thực tế sản xuất và kinh nghiệm phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2019 – 2020, các kỹ thuật đặc biệt quan trọng, cần phải được tuân thủ áp dụng để bảo vệ cây ăn trái trong mùa khô gồm: Ngăn mặn, trữ ngọt; tăng cường khả năng chống chịu của cây; luôn giữ mực nước trong mương vườn khoảng 20 – 30cm; không để cây mang trái quá nhiều; giữ ẩm cho đất, giảm lượng nước tưới và các giải pháp khác như tỉa cành tạo tán, phòng trừ bệnh cho cây…

Ngành nông nghiệp địa phương cũng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về diễn biến hạn, xâm nhập mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô. Ngoài ra, cần tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3; thường xuyên tổ chức trục vớt, trục đẩy lục bình, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch.

Chủ động cung ứng trái cây dịp tết

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang, vụ Tết Nguyên đán năm nay các nhà vườn trên địa bàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng gần 100.000 tấn trái cây đặc sản. Các loại trái cây tại địa phương đa dạng chủng loại, trong đó có gần 500 ha xoài cho sản lượng 1.000 tấn, thanh long 3.600 ha cho sản lượng khoảng 38.000 tấn, bưởi da xanh hơn 1.000 ha cho sản lượng khoảng 17.500 tấn, vú sữa có 80 ha cho sản lượng khoảng 700 tấn, mãng cầu xiêm khoảng 120 ha cho sản lượng 850 tấn và cùng với nhiều loại trái cây khác sẽ cho thu hoạch phục vụ thị trường Tết trong và ngoài tỉnh gần 100 nghìn trấn trái.

Theo nhà vườn, trái cây bán dịp Tết Nguyên đán các năm trước được giá cao hơn ngày thường từ 10-20%, nhất là các loại trái cây phục vụ nhu cầu chưng mâm ngũ quả.

chong-han-man-04-1706499979.jpg
Thời điểm này nhà vườn ở Tiền Giang đang thu hoạch sầu riêng nghịch vụ phục vụ thị trường tết. (Ảnh minh họa)

Tại xã Long An (huyện Châu Thành), nhiều nông dân đang tích cực chăm sóc vườn bưởi để phục vụ thị trường tết. Những ngày này, gia đình ông Lê Văn Sử (ấp Long Thạnh, xã Long An) đang tích cực chăm sóc diện tích bưởi da xanh rộng khoảng 2 công của gia đình.

Ông Sử cho biết: “Những ngày qua, tôi tập trung chăm sóc bưởi để cho trái đẹp để tết bán có giá. Bưởi tết đa phần được dùng để chưng nên phải chăm sóc sao cho màu da phải sạch, sáng và cuống lá đầy đủ để phục vụ nhu cầu chưng tết của người dân”.

Xoài là một trong những trái cây chủ lực được người dân lựa chọn để chưng tết. Đến hẹn lại lên, nhiều nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè đang tất bật chăm sóc vườn cây để phục vụ thị trường tết. Hiện tại, trái xoài đã được bao lại để cho màu sắc đẹp và bảo vệ trái khỏi côn trùng gây hại nhầm đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Thời điểm này, vườn xoài của ông Trần Văn Đậm (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) có diện tích 0,7 ha đã cho trái tết. Theo ông Đậm, vụ xoài tết năm nay vườn của ông đậu trái không nhiều. “Gia đình tôi trồng khoảng 100 gốc xoài cát Hòa Lộc. Vụ tết này, tôi xử lý ra hoa khoảng 20 gốc. Năm nay, mưa bất thường, gió thay đổi liên tục và bọ trĩ tấn công nên năng suất của vườn tôi năm nay không đạt như năm rồi, ước sản lượng chỉ khoảng 1 tấn”, ông Đậm cho biết.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, lưu ý, hiện nay các loại cây ăn trái đang chuẩn bị thu hoạch nên người dân chỉ tưới nước và theo dõi tình hình sâu bệnh, không nên bón phân bởi thời gian thu hoạch còn quá ngắn. Đặc biệt, không nên sử dụng các chất kích thích sinh trưởng vì trái sẽ nhanh hư.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, vụ trái cây tết năm nay nông dân sản xuất khó khăn hơn những năm trước do thời tiết không thuận lợi. Các loại cây khác phục vụ thị trường Tết như: Cây có múi, xoài, mận, vú sữa... cũng rất đa dạng, nhìn chung đều có giá. Từ đó góp phần cho thu nhập của người dân tăng cao, tính đến thời điểm này bình quân đầu người của người dân gần 70 triệu đồng/năm./.

Bình Nguyên