Hậu phương luôn vững chắc

“Vợ tôi luôn là hậu phương vững chắc từ những năm tháng tôi chiến đấu trên chiến trường đến nay, khi tôi thường xuyên vắng nhà để tham gia các hành trình nghĩa tình đồng đội”, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân vui vẻ chia sẻ với chúng tôi.
xac-may-bay-15550389336671761941126-1658738906.jpg
Hậu phương thời chống chiến tranh phá hoại

Căn nhà của ông Xuân nằm bên Quốc lộ 1A ở địa bàn phố Tía, huyện Thường Tín, TP Hà Nội luôn tràn ngập yêu thương và đầm ấm. Bà Thanh Tú - vợ ông vui vẻ nói với chúng tôi: “Hồi còn làm việc, ông ấy đi vắng suốt. Đến khi được về nghỉ thì ông lại đi lo chuyện tìm, vinh danh cho đồng đội. Mỗi lúc ở nhà, ông ấy luôn bên tôi nên tôi rất vui và hạnh phúc”.

Bà Tú vừa dứt lời, ông Xuân đang gọt mướp, nhặt rau cũng nở nụ cười sảng khoái, nói: “Gia đình được như thế này cũng nhờ một tay bà ấy giữ lửa ấm. Đó cũng là niềm tin kết nối yêu thương, xe duyên vợ chồng của chúng tôi”. Năm 1971, cậu sinh viên Trần Văn Xuân, 23 tuổi quê Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) đang học năm thứ 5, Khoa Thủy công - Thủy điện, Trường Đại học Thủy Lợi cùng bạn bè xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Là xạ thủ tên lửa A72, chàng lính trẻ cùng đồng đội qua nhiều chiến trường ở miền Nam để tiêu diệt máy bay địch, yểm trợ và bảo vệ các lực lượng của ta.

Hòa bình lập lại, chưa một lần về quê, Trần Văn Xuân lại cùng đơn vị tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc (lúc đó ông giữ chức Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 172, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng quân ở Tà Keo, Campuchia). Một hôm, Chính trị viên Xuân bỗng nhận được lá thư của cô Mão (cô ruột - lúc đó đang là giáo viên Trường cấp 3 Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội ngày nay).

Trong thư có kẹp tấm hình một cô gái. Cô Mão giới thiệu đó là cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Tú, đảm đang, chăm chỉ; là bí thư đoàn trường năng nổ hát hay, múa giỏi. Cô Mão nói đã kể cho Tú nghe về Xuân. Tú rất yêu thương bộ đội và cũng mong được làm bạn với những người đang hiên ngang nơi chiến tuyến. Cuối thư, cô Mão cho địa chỉ của Tú để Xuân liên lạc.

Ban đầu, Xuân cũng chẳng để ý. Nhưng khi đọc đi đọc lại lá thư và ngắm Thanh Tú qua ảnh, cảm tình với người con gái tên Thanh Tú cứ lớn dần. Cuối cùng, bàn tay chai sạn ám mùi thuốc súng của Xuân run run viết từng chữ cho người con gái chưa một lần gặp mặt: Thanh Tú mến!...

Thư gửi đi rồi, Xuân lại sống trong hồi hộp chờ đợi. Mỗi khi đồng chí quân bưu gõ cửa là trái tim Xuân lại đập rộn ràng trong lồng ngực. Một ngày, hai ngày... rồi một tuần trôi đi. Những tưởng lá thư thời chiến không có bến đáp và hồi âm thì Xuân nhận được thư với nét chữ mềm mại, tròn trịa của Thanh Tú hỏi thăm anh bộ đội nơi chiến tuyến và còn kể cho anh nghe những chuyện vui, buồn dưới mái Trường cấp 3 Phú Xuyên A.

Từ đó, những lá thư đều đặn về hậu phương và ra tiền tuyến. Thanh Tú luôn động viên Xuân vững vàng và hứa sẽ thay Xuân chăm sóc hậu phương. “Tưởng bà ấy nói chơi, ai dè bà ấy đến nhà và thay tôi chăm sóc bố mẹ. Tình yêu của chúng tôi cứ lớn dần theo những lá thư. Cuối năm 1977, tôi mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn Thanh Tú qua thư. “Nếu em bằng lòng làm vợ anh, em hãy gửi bản khai lý lịch 3 đời ra chiến trường cho anh để anh làm thủ tục xin phép tổ chức cưới em làm vợ” - Đại tá Trần Văn Xuân kể.

Lời cầu hôn mộc mạc đã được Thanh Tú chấp thuận, đơn vị đã cử cán bộ chính trị về địa phương thẩm tra lý lịch. Sau đó, Chính ủy Sư đoàn 367 Cao Văn Chấn ký quyết định cho Xuân - Chính trị viên Đại đội 3 được về quê cưới vợ. Mồng 4 Tết năm 1978, lễ cưới giản dị được tổ chức, gia đình và bạn bè, người thân ai cũng vui mừng và chúc phúc cho đôi bạn trẻ.

Cưới vợ xong, chú rể Xuân quay về đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thanh Tú thay chồng chăm sóc gia đình hai bên. Tháng 6-1978, khi học sinh nghỉ hè, bà Thanh Tú xin nghỉ phép vào thăm chồng. Tháng 5-1979, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái, Thanh Tú sinh con trai đầu lòng. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng bà vẫn luôn là hậu phương cho chồng yên tâm công tác.

Năm nay đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, thế nhưng Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân vẫn thường xuyên vắng nhà. Ông tâm sự: “Đơn vị tên lửa A72 có đặc thù chiến đấu rất phân tán và phối thuộc với các đơn vị khác nên thành tích tuy nhiều mà chiến công thường ít được nói đến. Còn nhiều con người, còn nhiều chiến công đang được ban liên lạc thu thập để trình các cơ quan chức năng vinh danh xứng đáng. Đó cũng là trách nhiệm, là việc làm thỏa tâm nguyện của các bạn chiến đấu tên lửa A72”./.