Phát triển công nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng được Chính phủ phê duyệt xác định trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững.
Theo phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, Đắk Lắk đặt mục tiêu quy hoạch, phát triển 5 KCN, phát triển mới 3 CCN. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển KCN Hòa Phú có quy mô 331,73ha (gồm cả phần mở rộng 150ha) và KCN Phú Xuân có quy mô 325,6ha. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu thành lập mới các KCN tiềm năng khi được bổ sung chỉ tiêu đất KCN và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đó là các KCN M’Drắk có quy mô 300ha, KCN Ea Kar có quy mô 480 ha và KCN Ea H’leo có quy mô 400ha.
Báo cáo của Sở Công Thương cho biết, đến hết quý I năm 2024, Đắk Lắk có 9 CCN đang hoạt động, thu hút 173 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển 26 CCN. Cụ thể, TP. Buôn Ma Thuột có 4 CCN; huyện Ea Kar và M’Drắk, mỗi huyện có 3 CCN; các huyện Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea H’leo, mỗi huyện có 2 CCN; các huyện còn lại mỗi huyện có 1 CCN.
Việc phát triển thêm nhiều KCN, CCN giúp Đắk Lắk khai thác các thế mạnh về hạ tầng giao thông, nguyên liệu và đặc biệt nguồn lao động sẵn có tại địa phương. Đây là tiền đề để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển về kinh tế, đô thị và xã hội của tỉnh.
Song song đó, nhu cầu tuyển dụng lớn từ các nhà máy, doanh nghiệp đối với lao động cũng đang tăng theo. Với tiến độ quy hoạch hệ thống KCN và CCN trong thời gian tới, điều này sẽ thu hút một số lượng lao động ở địa phương và từ các địa phương khác đổ về, đặt ra bài toán về an sinh cần giải quyết.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại địa phương, với số lượng hơn 10.000 người. Tiêu biểu là Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 3.000 lao động phổ thông vào làm việc.
Về tổng thể, TP. Buôn Ma Thuột chưa phải dạng đô thị “nén” như TP. Đà Nẵng hay TP. Quy Nhơn. Tuy nhiên, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân cũng đã bắt đầu tăng mạnh theo tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh. Đắk Lắk hiện đang có hơn 1,9 triệu người. Lực lượng trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người, chiếm gần 60% dân số. Khi số lao động tham gia làm việc ở KCN - CCN đồng nghĩa nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội sẽ tăng lên.
Tính đến thời điểm hiện nay, Đắk Lắk mới chỉ có có hai dự án xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một số dự án NOXH khác cũng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi triển khai đi vào xây dựng.
Thực tế, lực lượng công nhân tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu NOXH từ rất lớn. Nhiều công nhân ở KCN Hòa Phú đang mong chờ trong KCN sớm có NOXH để có thể tìm hiểu và mua với mức giá hợp lý. Nhà ở gần nơi làm việc, thuận lợi ăn ở, đưa đón con cái đi học và đi làm là ước mơ chung. Ai cũng mong mỏi có nơi ở ổn định, không phải thuê trọ bấp bênh bên ngoài.
Chị Hồ Huỳnh Gia Hân ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết vợ chồng chị hiện tại đang ở nhà thuê. Chị cũng như nhiều người lao động khác rất mong muốn mua được NOXH với mức giá vừa túi tiền để hiện thực hóa ước mơ sở hữu căn nhà riêng. “Với mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng cùng số lũy chỉ khoảng 300 triệu đồng thì việc mua đất cũng cực kỳ khó khăn chứ chưa dám mơ đến chuyện xây nhà” - chị Gia Hân thở dài.
Với Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ giải được bài toán đặt ra về việc phát triển dự án NOXH để đáp ứng nhu cầu của người lao động trong thời gian tới./.