Happy IFTAR: Bữa ăn kết thúc một ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo

Bài viết Happy IFTAR: Bữa ăn kết thúc một ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo do Giang Sơn, Trần Phương Chi (Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện.
bua-xa-chay-cua-nguoi-hoi-giao-1-1712532550.jpg
 

Tháng Ramadan là một trong năm tín điều bắt buộc đối với người Hồi giáo, trong đó Tháng Ramadan là tháng thứ 9 trong âm lịch Ả-rập, nhưng tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi theo từng năm, không cố định một ngày thống nhất. Ngày 03/4/2024, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện hàm lâm khoa học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Halal Việt Nam (VHC) tổ chức Ngày Iftar hạnh phúc (Happy Iftar Day – 2024) trong tháng Ramadan với sự tham gia của nhiều đại diện các quốc gia Hồi giáo đang làm việc tại Hà Nội.

Tại buổi lễ này, PGS.TS Lê Phước Minh đã có bài giới thiệu về tháng Ramadan cũng như chủ trương, chính sách của Việt Nam đối với vấn đề tôn giáo, trong đó có đạo Hồi, cũng như tôn trọng tự do tín ngưỡng. Đại diện cho các nước Hồi giáo, Đại sứ: Ma-rốc, Saudi Arabia, Brunei, Indonesia, Azerbaijan, Kazanstan và đại diện của đại sứ quán Ai Cập, Angola, Iran, Mozambique, Singapore, Malaysia,  Algeria tham dự.

Năm 2024, Ả-rập Xê-út – nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi – thông báo tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 11/3/2024 sau khi ghi nhận trăng lưỡi liềm xuất hiện (năm 2023, tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 23/3/2023). Các nước Qatar, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ai Cập cũng thông báo tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 11/3. Trong khi Oman, Lybia bắt đầu tháng Ramadan từ ngày 12/3. Iran trước đó cũng ấn định ngày 12/3 do cơ quan quan sát mặt trăng của Iran cho biết không thể quan sát được trăng lưỡi liềm.

bua-xa-chay-cua-nguoi-hoi-giao-1712533155.jpg
 

Trong tháng Ramadan, những tín đồ theo đạo Hồi sẽ thực hiện nghiêm túc quy định về việc kiêng ăn, nhịn uống, hạn chế các thú vui khác như không hút thuốc, nhai kẹo cao su, nghĩa là không được đưa bất cứ thứ gì vào miệng trong thời gian ban ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, đồng thời cũng không sinh hoạt vợ chồng. Việc thực hiện tháng Ramadan là bắt buộc đối với mọi tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, đạo Hồi cũng quy định những người đang đau ốm, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em dưới tuổi thành niên và những người Hồi giáo đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo thì được miễn trừ. Một số nước theo đạo Hồi cũng quy định học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn ăn. Những người mới vào đạo Hồi có thể nhịn ăn theo sức chịu đựng của bản thân vì chưa quen.

Theo giáo lý của Hồi giáo, tháng Ramadan có ý nghĩa quan trọng đối với tín đồ Hồi giáo, trong đó việc nhịn ăn uống là cơ sở để những người đủ đầy hơn đánh giá và thẩm định sự đói khát của bản thân, giúp thấu hiểu để /từ đó hình thành lòng bao dung, đồng cảm, cũng như cảm thông với những người nghèo đói, yêu thương nhau nhiều hơn. Đồng thời, thực hành nghi thức này góp phần giúp các tín đồ đạo Hồi rèn luyện sự tiết chế, kiểm soát bản thân khỏi các ham muốn, rèn luyện tinh thần chống lại những cám dỗ vật chất. Tháng Ramadan cũng là dịp để người Hồi giáo tham gia các hoạt động từ thiện (zakat), làm điều tốt ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, thông thường là ủng hộ những khoản tiền nhất định hoặc quyên tặng thức ăn, chia sẻ với những người còn chưa đủ ăn, đủ mặc.

Iftar theo tiếng Ả-rập là “phá vỡ sự nhịn ăn”, là bữa ăn được phục vụ vào lúc hoàng hôn mà người Hồi giáo ăn vào mỗi buổi tối hàng ngày, sau khi mặt trời lặn trong tháng Ramadan. Tùy vào từng nơi người Hồi giáo sinh sống mà thực hiện Iftar, nhưng thông thường người Hồi giáo sẽ tụ tập ăn uống bên gia đình, bạn bè vào ban đêm. Ở một số nơi, các tín đồ Hồi giáo tổ chức Iftar thành các bữa ăn tại nhà của những người lớn tuổi, với nhiều món súp truyền thống như đậu lăng và súp cà chua nướng hay các loại thịt nướng. Món tráng miệng trong tháng Ramadan thường là bánh ngọt phủ xi rô mật ong như bánh Baklava và Kataifi./.

Tài liệu tham khảo: 

- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.171.

- Ban Tôn giáo Chính phủ, Công tác tôn giáo 2021, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2021, tr.44-66.

Giang Sơn, Trần Phương Chi (Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)