Hàng Việt ngày càng tạo vị thế nhờ chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng

Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi phong cách mua sắm, không còn tâm lý sính hàng ngoại khi hàng Việt ngày càng có chất lượng, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng.
hang-viet-tren-thi-truong-1-1728138373.jpg
Nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước.(Ảnh minh họa)

Hàng Việt đón sóng sức mua của thị trường nội địa

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện thị trường nội địa có quy mô 180 tỷ USD và dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025. Việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán mới được kỳ vọng sẽ làm “nóng” lên sức mua của thị trường nội địa vốn không quá sôi động thời gian qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay thị trường nội địa có dấu hiệu “nóng” lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng mừng là những sản phẩm được sản xuất trong nước đang từng bước khẳng định ưu thế. Là người tiêu dùng ưu chuộng hàng Việt, chị Hoàng Anh, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, phần lớn đồ dùng trong gia đình chị đều là hàng Việt Nam.

“Từ các loại thực phẩm thiết yếu đến những thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hóa phẩm, nhất là hàng may mặc, tôi đều chọn các mặt hàng sản xuất trong nước bởi giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng được cải tiến và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, chị Hoàng Anh nói.

Cùng chung quan điểm với chị Huyền và chị Hoàng Anh, anh Trung ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết thêm: Hiện tại trong các hệ thống siêu thị luôn có chương trình giảm giá các mặt hàng rau, củ, trái cây sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

hang-viet-tren-thi-truong-3-1728138363.jpg
Hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, từ chỗ phải kêu gọi ủng hộ, đến nay hàng sản xuất trong nước đã thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng trong nước đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất đang đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.

Ðáng chú ý, các doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm..., từ đó tạo sự tin dùng và tự hào về hàng Việt.

Hỗ trợ kết nối hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt vào các siêu thị

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc phủ sóng hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt vào các siêu thị luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của sở trong nhiều năm qua: “Hoạt động trong kế hoạch của Thành phố để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đó Thành phố đã tạo thuẩn lợi đẩy sản xuất, cũng như đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Rất nhiều nông sản, sản phẩm OCOP được kết nối, đưa vào hệ thống phân phối của thành phố Hà Nội, được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng, đã được các tỉnh ghi nhận, đánh giá cao… Việc triển khai thực hiện hoạt động kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã góp phần tăng hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, đơn vị phân phối Hà Nội tìm được nguồn hàng ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

hang-viet-tren-thi-truong-2-1728138445.jpg
Việc phủ sóng hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt vào các siêu thị luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của ngành Công thương trong nhiều năm qua. (Ảnh minh họa)

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, trong những năm qua nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý… Do đó, được đông đảo người dân lựa chọn và tin dùng.

“Những điểm mạnh của hàng hoá Việt đó là chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam thường lựa chọn các cửa hàng hóa tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Với sự quyết tâm sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng, thì hàng hóa Việt Nam sẽ càng chiếm lĩnh vững chắc tại thị trường Việt Nam. Từ đó, tiếp tục lan tỏa sức mạnh của mình ra thị trường thế giới”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Thực tế cho thấy, hiện các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện nay… hàng Việt chiếm 80% - 90% trên tổng số hàng hóa. Song để tiếp tục tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên sân nhà trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.

Đồng thời, chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển các kênh phân phối hiệu quả, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… để từ đó doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng được thị phần trong thời gian tới./.

Bình Nguyên