Doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
Sự gia tăng nhanh chóng về kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA), đang tạo điều kiện thuận lợi cho DN hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giao thương kết nối cung cầu, các DN trong nước đang có thêm cơ hội quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga.
Với thâm niên hơn 10 năm xuất khẩu hạt điều sang thị trường Nga, bà Tạ Ngọc Mai, Giám đốc bán hàng của Công ty Hoàng Sơn 1 nhận thấy, thị trường Nga đang có nhu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng của DN, bởi vậy DN cần có kế hoạch đầu tư để xuất hàng tinh chế, thay vì xuất khẩu thô.
“Thị trường Nga mua ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam, bởi vậy DN mong muốn tìm được phương thức xuất thẳng cho các nhà nhập khẩu ở Nga, đưa thẳng hàng hóa của mình lên các kệ hàng của siêu thị. Muốn đạt được mục tiêu này, DN luôn xác định rõ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường”, bà Mai chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Nafood tại Nga - ông Nguyễn Mai Phương cho biết, sản phẩm của tập đoàn đã có mặt tại Nga từ nhiều năm qua. Chiến lược dài hạn của tập đoàn sẽ là sớm xây dựng nhà máy quy mô nhỏ, sấy hoa quả tại chỗ, bởi thị trường hoa quả sấy tại Nga rất tiềm năng phù hợp với xứ lạnh, người Nga rất thích hoa quả nhiệt đới như của Việt Nam.
“Mỗi lượt khách Nga du lịch đến Việt Nam, được thưởng thức hoa quả Việt Nam khi về nước họ đều trở thành những "người quảng cáo" cho hoa quả Việt Nam. Việc Nafood mở thị trường tại Nga cũng dựa trên nhu cầu thực tế của người dân Nga và tập đoàn không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hoa quả sấy, mà sẽ có phương án xuất khẩu hoa quả tươi sang Nga”, ông Phương cho hay.
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống WorldFood Moscow thường niên đã trở thành một trong những hội chợ quốc tế có uy tín, quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thực phẩm. Đây cũng là diễn đàn xúc tiến thương mại quan trọng, có ý nghĩa vô cùng thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng DN khắc phục những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam thu hút các nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ tại Nga
Khẳng định trong thời gian gần đây, hàng nông sản Việt Nam gia tăng tại thị trường Nga, một số mặt hàng còn củng cố được vị trí của mình trên thị trường, bà Meshcheryakova Elena, Trưởng phòng phát triển chiến lược, Trung tâm thương mại Food City cho biết, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có chất lượng tốt và được người tiêu dùng Nga ưa chuộng.
“Các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ tại Nga. Với vai trò là một trong số các trung tâm thương mại lớn, chuyên về nhập khẩu, phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm tại Moscow, Food City sẵn sàng hợp tác với các DN Việt Nam để đưa những sản phẩm chất lượng của Việt Nam vào phân phối tại Nga”, bà Meshcheryakova Elena cam kết.
Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, mối quan hệ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga luôn là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước và cùng coi sự phát triển của nhau là cơ hội cho sự phát triển của mình, gắn kết tình hữu nghị sâu đậm.
“Việc tổ chức các đoàn giao dịch, giao thương xúc tiến thương mại là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện để DN hai nước tăng cường hợp tác, có thêm nhiều cơ hội trực tiếp trao đổi, ký kết hợp đồng”, ông Minh nói.
Có thể thấy, vai trò của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA) đã góp phần đáng kể trong gia tăng kim ngạch thương mại song phương hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian gần đây. Như đánh giá của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp định là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông - thủy sản, thực phẩm cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
“Để tận dụng các ưu đãi từ Việt Nam - EAEU FTA mang lại, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại song phương cao trong năm nay và thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Nga. Việc đăng ký tham dự hội chợ triển lãm là biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả để DN tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Liên bang Nga”, ông Phú cho biết.
Được biết, trong tháng 9 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức Chương trình giao thương trực tiếp Việt Nam - Liên bang Nga với sự góp mặt của đông đảo DN trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dược liệu… ngay tại Nga. Đây là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giúp cho cộng đồng DN hai bên liên kết, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Tại chương trình, các DN Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với các DN Liên bang Nga, với hơn 50 lượt giao dịch đã diễn ra./.
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính trong 6 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga đạt 1,17 tỷ USD, tăng 44% so với mức 812 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm trước. Hiện đã có 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang Nga.
Các mặt hàng thuộc nhóm kim ngạch trên 100 triệu USD đều có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nga tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê xuất khẩu sang thị trường này dù tăng nhẹ hơn so với hai mặt hàng trên nhưng cũng đạt mức +35% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong nhóm nông thủy sản, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Nga đạt 95 triệu USD, tăng tới 105% so với cùng kỳ năm trước; rau quả đạt 32 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều đạt 32 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.